Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên:
Sứ mệnh bảo tồn trên vai ai?
Lễ bế mạc Festival Cồng chiêng quốc tế 2009. |
Số phận cồng chiêng rồi sẽ như thế nào khi mà sự thay đổi của đời sống và đức tin đã khiến cồng chiêng ngày càng mai một?" - GS-TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN - mở đầu hội thảo bằng câu hỏi nhức nhối. Đây cũng là bài toán đặt ra cho toàn cuộc.
Đêm 15.11, Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 đã bế mạc trọng thể tại Quảng trường 17.3, TP.Pleiku (ảnh). Trong suốt 4 ngày festival, đã có 14 hoạt động diễn ra tại TP.Pleiku và 1 hoạt động diễn ra tại Hà Nội. Lễ bế mạc diễn ra với đoàn xe hoa diễu hành rực rỡ và nhiều tiết mục biểu diễn văn nghệ dân gian đặc sắc trong hòa âm của các giàn cồng chiêng đến từ mọi miền. |
Các nhà khoa học cả trong và ngoài nước đều thống nhất trong cách nhìn về thân phận cồng chiêng hôm nay, như GS-TS Trần Quang Hải: "Chúng ta nói nhiều về cồng chiêng cùng với không gian văn hoá của nó, nhưng lại quên rằng có một lớp trẻ đang dần rời bỏ buôn làng lại thích ứng rất nhanh với "hiphop", với xe máy, tivi... Vậy công việc bảo tồn sẽ như thế nào?".
Trong góc nhìn của người nước ngoài, TS Shine Toshihiko (Nhật Bản) thất vọng: "Cả tháng trời ở Pleiku, nhưng tôi không tìm được một CD nào về văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, kể cả đĩa do địa phương phát hành".
Tại lễ khai mạc festival, "nhiều nghệ nhân mệt mỏi còn ngồi bệt lên chiếc chiêng "đạo cụ", tinh thần của lễ nghi và nghệ thuật cùng bị đe dọa" - ThS Nguyễn Hữu Thông (Viện Văn hoá nghệ thuật VN) lo lắng. Nhìn thẳng vào thực tại, GS-TS Oscarr Salemik (Hà Lan) cho rằng: "Chỉ có thể giảm thiểu những tác động của môi trường và bối cảnh ảnh hưởng đến sự tồn tại của không gian văn hoá cồng chiêng, đồng thời với các biện pháp hiệu quả để gìn giữ, bảo tồn".
Theo GS Tô Ngọc Thanh, cần đưa cồng chiêng vào chương trình ngoại khoá ở trường học, vừa tăng hiệu ích bảo tồn, vừa tránh tăng tải chương trình học. PGS-TS Phạm Lê Hoà - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương - đề xuất nên thay đổi giáo trình âm nhạc, trong đó hai phần ba thời lượng dành cho giáo dục âm nhạc vùng miền.
Tín hiệu vui nho nhỏ lại đến từ ThS Linh Nga Niêk Đăm khi bà cho rằng, trong thực tế, "tại Tây Nguyên, nhiều già làng đã có ý thức truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ ngay ở chính không gian làng mình". Nghệ sĩ Bạch Yến đề xuất: "Nên có chế độ trợ cấp - phong danh hiệu để những "báu vật sống" có thể thảnh thơi mà truyền dạy cho lớp trẻ - một kinh nghiệm mà ở Nhật Bản hay Hàn Quốc đã cho thấy tính hiệu quả".
GS-TS Oscar và TS Déry (Canada) đồng quan điểm: Bảo tồn không gian văn hoá cồng chiêng chỉ có thể thực hiện bởi chính những người hiện thân cho di sản vốn đang bị đe dọa. Và "tôn trọng, phát huy cồng chiêng trong môi trường mới hiện nay chính là cách để giữ gìn tốt hơn". GS-TS Trần Văn Khê cũng đề nghị như một kết luận: "Chúng ta phải bảo tồn cồng chiêng trong đời sống để nó không chỉ là thứ người ta nói đến, mà phải thực sự hiện diện trong đời sống người dân".
Tuy vậy, cuối hội thảo, GS-TS Tô Ngọc Thanh vẫn nhắc lại một quan điểm "lưu cữu": "Nhà nước cũng phải nhanh chóng vào cuộc. Nếu không, chuyện bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hoá cồng chiêng cũng chỉ là chuyện của... những nhà khoa học với nhau". Một đề xuất khác rất được chú ý của TS Bountheng Souksavatd (Lào): Chúng ta có biên giới mỗi nước, nhưng không gian khoa học thì rộng mở hơn nhiều. Nên chăng tiếp tục tìm hiểu, đề xuất UNESCO công nhận một không gian văn hoá cồng chiêng rộng mở hơn?