TIẾNG VIỆT..KHÔNG KHÓ
TRỜI ? BLỜI
MẶT TRỜI, ÔNG TRỜI
Mặt trời hình thành cách đây gần 5 tỷ năm khi đám mây phân tử
hydro tích tụ dần lại. Mặt trời nằm cách xa mặt đất 150 triệu
cây số. Dân gian không thường nghĩ đến mặt trời đó, đang chiếu
rọi hâm nóng địa cầu mà nghĩ tới trời bầu trời mông lung trong
nghĩa rộng và một ông trời trong niềm tin thiêng liêng.
Thuở
ban sơ, Cố Đắc Lộ viết là Blời. Cha chúng tôi ở tlên blời.Lạy
Cha chúng tôi ở tlên blời. Blời là Trời, Nước Trời, Đức Chúa
Trời…Hồi đó, nói là Chúa Trời và Đất, sau nói gọn lại là
Chúa Trời.
BẦU TRỜi
Trời đó là khoảng không gian màu
xanh lơ như cái vòm bao la trên không. Bầu trời mùa hè trong
sáng, muà đông luôn luôn có mây phủ, nhìn về một góc trời thấy
đám mây đen. Đằng xa là phía chân trời. Chân trời góc biển ý
nói xa xôi lắm.
Nhắc đến trời mỗi khi muốn nói tới khí
hậu. Khí trời ấm áp. Trời mưa trời nắng cho vừa lòng nhau.
Trời nóng, trời lạnh, trời trở gió, trời quang mây tạnh, trời
mưa như trút, trời trở rét, trời rét như cắt, trời giông bão,
trời vào thu, vào đông…
Trời còn để chỉ thời gian. Trời
còn sớm mà, sao vội về thế ? Trời sắp tối rồi, mùa này mau
tối hí ? Mặt trời đứng bóng, trời sáng trưng, trời nhá nhem
tối, trời tối mù mịt.
Trời nắng thì trời lại mưa
Chứng nào tật ấy có chừa được đâu !
Ba tháng trời không ăn không ngủ…Chắc cũng đã mười mấy năm trời mình mới lại gặp nhau.
Nhưng nói trời trăng lại là chuyện khác. Đó là chuyện không
đâu, như chuyện trăng sao. Trời trăng mây nước…Cũng như nói thấy
…trên trời rửa đọi (rửa bát).
ÔNG TRỜI
Ôi trời đất qủy
thần ôi…Trời ơi ! Kêu sao cho thấu trời. Trời cao đất
dày…nhưng cây không thể cao thấu trời. Chỉ có trời biết. Trời
ngó lại…thiệt là có phước ba đời.
Trời là thượng đế,
là ông trời. Người mình tin tưởng vào ông trời, cảm thấy gần
gũi khi cần đến bàn tay của ông, nhưng cũng không quên trách
móc…Có kẻ muốn đem trời đi bán. Bán trời không văn tự là
nói đến những ông trời con.
Đừng làm vậy mà trời phạt. Ông
trời ban phước mà ông trời cũng giáng tai ương nên mới có
chuyện cầu trời khẩn Phật. Trời tru đất diệt là hết sống
nổi.
Khi trách móc, gọi trời là trời già :
Tức gan riêng giận trời già (Kiều)
TRỜI XANH
Trời có màu trong xanh nên gọi là trời xanh, trời xanh mây
trắng. Xanh này còn có ý nói cao qúa không thấu hiểu chuyện
thế gian.
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen (Kiều)
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này (Chinh Phụ Ngâm)
Nói trời xanh có mắt nhưng sao lại không công bằng ? Người giàu
thì giàu qúa, người nghèo thì lại qúa nghèo. Đâu phải tại
ông trời ? Không phải tại ông trời thì tại ai ?
Trời xanh sớm nắng mai hồng
Mình anh đi giữa lông bông cuộc đời
Một mình mình sống, một mình mình lo…đầu đội trời, chân đạp đất. Ôi, lo gì, trời sinh voi trời sinh cỏ mà !
Trời màu xanh…vậy có trời màu hồng không ?
Trời hồng hồng sáng trong trong…bắt đầu bài « Hè Về » của Nhạc sĩ Hùng Lân đó.
CHIM TRỜI CÁ NƯỚC
Những loài vật sống giữa trời : Chim trời, vịt trời, ngỗng trời…
Có kẻ coi trời bằng vung nghĩa là coi thiên hạ không ra gì. Kẻ đó dám đem trời đi rao bán.
Người lên tiếng nguyền rũa gọi họ là kẻ trời đánh thánh đâm.
Trời sai thiên lôi đi đánh nên gọi là sét đánh chứ không phải
trời đánh.
CON TRỜI
Theo Khổng giáo, vua là con trời.
Hồi đó, vua nước ta cũng coi mình là con trời, thiên tử, nên ba
năm một lần tế trời đất tại Đàn Nam Giao ở Kinh thành Huế.
« Khi vua ra tế, đầu đội mũ miện, mặc áo long cổn và đi hia.
Còn các quan thì mũ áo chỉnh tề đứng hai bên : quan văn bên tả,
quan võ bên hữu.
« Lúc tế có âm nhạc, ca vũ và có voi,
ngựa, quân lính dàn khắp ở ngoài rất nghiêm trang. Cách bài
trí, cách tế lễ thật là kính cẩn, trang nghiêm.
-Quốc văn giáo khoa thư, lớp Sơ đẳng, 1948
Nhiều năm trời hạn hán, người xưa tin rằng đó là trời phạt.
Vua, quan tổ chức lễ cầu cho mưa thuận gió hòa. Nhưng ở miền
Trung thì mưa bão là chuyện xảy ra thường xuyên :
« Trời
rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm, khiến đau thương thấm tràn
ngập Thuận An để lan biển khơi… » Tiếng Sông Hương, Phạm Đình
Chương .
Chàng nam thiếp bắc
Họa ông trời vần mới được gặp nhau
CẬU ÔNG TRỜI
Con cóc là cậu ông trời
Hễ ai đánh nó là trời đánh cho
Mấy năm, dương thế bị hạn hán. Cóc dẫn một phái đoàn gồm có
cọp, cua và bầy ong lên thiên đình chỗ ông trời ở đòi mưa.
Nghe rộn ràng trước cửa nhà trời, Ngọc Hoàng sai thiên lôi ra
dẹp. Cọp, cua, ong ra tay, lính và thiên lôi phải rút vào. Ngọc
Hoàng đành tiếp phái đoàn và nhận lời yêu cầu. Mỗi khi nghe
cóc kêu là trời phải mưa. Từ ngày đó, mỗi khi ta nghe tiếng
cóc kêu là biết trời sắp mưa.( Truyện dân gian )
CÓ CHUYỆN NÀY XIN HỎI ÔNG TRỜI
Bắt thang lên hỏi ông trời
Đem tiền cho gái có đòi được không
Ông trời ông ấy bảo rằng
Ta đây cũng chịu huống chi là mấy ông.
Trời trồng…chết đứng giữa trời như trời trồng.
Để kết bằng hai câu này :
Có trời mà cũng có ta
Tu là cội phúc tình là giây oan.
NHÀ CHỌC TRỜI
Nhà chọc trời là building cao ngất. Năm 1930, cao nhất là Empire
State Building ở New York 381 thước, 1250 feet. Năm 2010 Burj Khalifa
ở Dubai cao 828 thước 2717 feet là nhà chọc trời cao nhất hiện
nay.
Empire State Building nay tụt xuống hạng thứ 43. Hồi đó,
đi thang máy lên thượng tầng của building này tưởng như với tay
là tới trời. Có nhờ chụp hình rọi lớn, về lộng kiếng treo
trong nhà.