CẢI LƯƠNG
NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU TRUYỀN THỐNG NAM BỘ
Tuy sanh sau đẻ muộn so với Chèo và Hát Bội (Tuồng), Cải lương trong thời gian không quá 80 năm đã đi một bước rất dài, ngấm sâu vào lòng người dân Nam bộ và đã trở thành một truyền thống vững chắc trong kịch nghệ Việt Nam.
Một bộ môn nghệ thuật được coi là “truyền thống” nếu bộ môn ấy có đủ các yếu tố sau:
– do người Việt sáng tạo trên đất nước Việt Nam cho người Việt Nam
– đã được cha truyền con nối từ thế hệ này qua thế hệ khác
– đã chịu thử thách của thời gian
– hiện nay vẫn còn tồn tại và được người Việt Nam thưởng thức.
- Do người Việt sáng tạo trên đất nước Việt Nam cho người Việt Nam:
Theo nghĩa Hán Việt, “cải lương” là sửa đổi cho tốt hơn. Thực vậy, Cải lương được thay đổi từ Hát Bội mà người ta gọi là Cải lương tuồng cổ. Nghệ sĩ Cải lương có cách múa, hát, mặc xiêm y giống như trong Hát Bội với một sự thay đổi nhẹ nhàng là khởi đầu của Cải lương. Cải lương là làm cho đẹp hơn, thông qua:
– Sân khấu đổi mới : có màn nhung phía trước sân khấu, nhiều cánh gà và décor fixe (bức phông vẽ cảnh cung đình, nhà cửa hoặc núi rừng)
– Đề tài kịch bản : không chỉ lấy trong lịch sử Trung quốc hay Việt Nam, mà còn lấy từ các tiểu thuyết hoặc do tác giả kịch bản đặt ra
– Nghệ thuật biểu diễn : thật mà đẹp, không còn ước lệ như trong Hát Bội. Dùng giọng tự nhiên, chứ không có những giọng mé, giọng hầu…
– Dàn nhạc : gồm đờn kìm, đờn cò, đờn sến, ống sáo, ống tiêu. Sau này thêm đờn tranh, guitare phím lõm, và gần đây là synthetiseur. Có lúc còn dùng cả kèn saxophone, clarinette và trống phương Tây.
– Bài bản : gồm các bản đờn trong truyền thống Tài tử như bài Bắc nhỏ, các bài Nam, Xuân – Ai – Đảo, đặc biệt là bài Dạ cổ hoài lang mà sau này trở thành Vọng cổ. Còn có những bài hơi Quảng và những bản nhạc mới sáng tác theo phong cách cổ như Trăng thu dạ khúc.
Theo một số nhà nghiên cứu, tiền thân của Cải Lương là nhạc Tài tử biến thành “ca ra bộ”. Năm 1917 tại nhà ông Cai tổng Tống Hữu Định (ông Phó 12) ở Vĩnh Long, khi diễn tích “Bùi Kiệm thi rớt trở về”, cô Ba Định trong vai Nguyệt Nga, ông giáo Diệp Minh Ký – vai Bùi Kiệm, ông giáo Du – vai Bùi Ông, vừa ca bài Tứ đại Oán vừa ra bộ. Từ đó sanh ra loại “Ca ra bộ” rồi sau trở thành hát Cải lương.
Theo tài liệu của cháu Mai Mỹ Duyên, Trưởng phòng nghiên cứu của Sở Văn Hoá Thông tin Tiền Giang, “Ca ra bộ” do nhạc sư Nguyễn Tống Triều (ông Tư Triều) tại Cái Thia chế ra từ năm 1916.
Năm 1920 gánh Tân Thinh có hai câu đối treo trước sân khấu :
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh
- Đã được cha truyền con nối từ thế hệ này qua thế hệ khác
Nhìn lại sân khấu Cải lương, chúng ta không thể quên những nghệ sĩ lão thành có mặt từ lúc khởi đầu của bộ môn nghệ thuật này, như kép Bảy Thông, đào Năm Thoàn trong gánh Cải lương của thầy Năm Tú ở Mỹ Tho, như Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam, Bảy Nhiêu, Ba Vân, Út Trà Ôn… Những nghệ sĩ này lại truyền nghề cho một thế hệ không kém nổi tiếng như NSUT Kim Cương, Duy Lân, Thành Được, Út Bạch Lan, Hữu Phước, NSND Thanh Tòng, Việt Hùng… Sau nữa có Hùng Cường, NSUT Bạch Tuyết, Thanh Sang, NSUT Ngọc Giàu, NSUT Lệ Thuỷ, Mộng Tuyền, Đỗ Quyên, Hoài Thanh … Thế hệ hôm nay có Hương Lan (con gái nghệ sĩ Hữu Phước), Vũ Linh, Tài Linh, Ngọc Huyền, Kim Tử Long, Quế Trân (con gái nghệ sĩ Thanh Tòng), Thi Trang, Lê Tứ…
Như thế, Cải lương quả đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã thay đổi qua nhiều thế hệ. Trong nhiều thử nghiệm chịu thử thách với thời gian, “hình thức cải lương” nào phù hợp thì còn tồn tại và phát triển, “hình thức cải lương” nào không được quần chúng ủng hộ thì bị đào thải, đó chính là tính chất “động” và “mở” của Cải lương.
Để thấy Cải lương đã có một bề dày lịch sử, xin điểm sơ qua một số gánh hát Cải lương được thành lập từ những ngày đầu và những phong cách dàn dựng sân khấu, biên soạn kịch bản :
1920 : ba gánh Tân Thinh, Văn Hí ban, Tập ích Ban
1925 : Phước Cương
1927 : Phụng Hảo (Cô Bảy Phùng Há) và gánh Đồng Nữ Ban của bà Trần Ngọc Viện (đặc biệt là gánh này toàn diễn viên nữ, tiền vé sau khi trang trải cho gánh được chuyển đến giúp những đoàn thể Cách Mạng)
1934 : sau loại Tuồng cổ có thêm Tuồng Phật
1936 : Tuồng Tiên, Phong Thần
1937 : Tuồng La Mã
1947 : Tuồng “cắc bùm”
1948 : Việt kịch Năm Châu : Tuồng Xã hội
1953 : gánh Năm Châu dựng tuổng Tây Thi gái nước Việt
1960 : Cải lương Hồ Quảng
Ngoài ra còn có các gánh nổi tiếng : Thanh Minh – Thanh Nga, Kim Chung… Sau ngày thống nhất đất nước có Sài gòn 1, Sài gòn 2, Trần Hữu Trang…
- Đã chịu thử thách của thời gian
Trải qua nhiều thế hệ, Cải lương thay đổi ngày một hay hơn và phù hợp với phong cách thưởng ngoạn nghệ thuật của quần chúng Nam bộ. Số vở được dàn dựng là rất nhiều. Nhà nhiếp ảnh, nhà báo, nhà văn Huỳnh Công Minh còn lưu trữ hơn 500 phim chụp những vở tuồng đã được biểu diễn có đủ tên tác giả kịch bản, nơi biểu diễn, tên rạp hát, gánh hát, tên ông/ bà bầu và các diễn viên chánh. Nếu kể thêm các vở tuồng không được chụp hình thì còn có nhiều hơn nữa. Sau bao lần biến chuyển và định hình, Cải lương vẫn giữ được bản sắc của nó. Cho đến nay người ta vẫn đang thưởng ngoạn những vở kinh điển như Đời Cô Lựu (Trần Hữu Trang), Sân khấu về khuya (Năm Châu)…
- Hiện nay vẫn còn tồn tại và được người Việt Nam thưởng thức
Bên cạnh sân khấu kịch, sân khấu ca nhạc trẻ, Cải lương đã định hình trong lòng khán giả và còn tiếp tục đi tới trong việc bảo tồn, lưu giữ. Mấy năm sau này, các nghệ sĩ như Thanh Tòng, Út Bạch Lan, Bạch Tuyết… thường tổ chức những đêm diễn trích đoạn những tuồng được khán giả yêu chuộng. Các chương trình truyền hình như Cánh chim không mỏi, Vầng trăng Cổ nhạc được đông đảo khán giả theo dõi. Hai đài truyền hình HTV7 và HTV9 thường xuyên phát sóng nhiều vở Cải lương mới và cũ.
Ở nước ngoài, các nghệ sĩ trẻ Việt kiều vẫn hát Cải lương và bà con sẵn sàng bỏ buổi làm việc để xem nghệ sĩ Cải lương từ Việt Nam qua biểu diễn. Cải lương đặc biệt thịnh hành ở Pháp và Mỹ, các nghệ sĩ chẳng những diễn lại những vở tuồng xưa mà gần đây còn dàn dựng những vở mới.
Kết luận :
Cải lương là một nghệ thuật dân gian xuất phát từ miền Nam và lần lần được cả ba miền ưa thích. Cải lương có khả năng thực hiện những đề tài mới do tánh cách động (đôi khi áp dụng không khéo thì “ động” thành “loạn”). Những vở mới không những lựa những tích trong lịch sử của Trung quốc hay Việt Nam mà còn có những đề tài về tệ đoan xã hội (“tứ đổ tường”), về tình yêu, gia đình, chiến tranh, tôn giáo và tín ngưỡng…
Cải lương dễ chấp nhận những phong cách biểu diễn mới, du nhập cách múa của hát Tiều, hát Quảng kể cả những làn điệu của phương Tây hay các nước Nhựt Bổn, Trung Quốc… Nhưng nếu không phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của người Nam bộ thì các phong cách và bài bản ấy đều bị sa thải.
Mặc dầu đã nhiều lần chuyển hướng, trong những năm gần đây Cải lương đã định hình và tìm lại bản sắc dân tộc. Cải lương Hồ Quảng trước đây thường dùng nguyên những làn điệu Quảng Đông như Phảnh phá, Chống bản, còn Hồ Quảng ngày nay có những bài mới do người Việt sáng tác mang chút hơi Quảng của nhạc Tài tử.
Chưa đầy một thế kỷ hiện hữu, Cải lương đã đi qua bao thử thách và rút ra nhiều kinh nghiệm. Những vở tuồng của soạn giả Lê Duy Hạnh cho chúng ta một chút lạc quan rằng Cải lương đang tiến đến một nghệ thuật sân khấu đẹp trong hình thức lẫn nội dung và mang tính truyền thống đặc trưng của người dân Nam bộ.
Bình Thạnh, Mùa hè năm Quý Hợi
Ngày 14-06-2007
Trần Văn Khê