Một vài thành quả của chuyến đi lưu diễn tại Mỹ và Na Uy
Trần Quang Hải (Paris – Pháp)
Chuyến đi sang Mỹ lần này kéo dài gần ba tuần từ 19 tháng giêng tới 7 tháng 2, 2006 , và sau đó tại Na Uy từ 10 tới 12 tháng 2, 2006 .
Trình diễn cho trẻ em tại Mỹ
Lần đầu tiên chúng tôi có dịp trình diễn nhạc cổ truyền Việt Nam cho trẻ em Mỹ tại một trường tiểu học Hunters Woods Elementary School ở thành phố Reston (tiểu bang Virginia). Truờng này là một trong hai trường tiểu học đặc biệt của tiểu bang Virginia dành cho những trẻ em ngoại hạng (GT children – Gifted and Talented Children).
Cháu Yến Minh (cháu của tôi) có hai đứa con (Yến Vi và Bính) học ở trường này. Cháu có dịp xem chúng tôi vài lần trình diễn cho người lớn , và muốn chúng tôi tới trình diễn cho trẻ em Mỹ và gốc Mỹ ở trường đặc biệt này . Sau một năm chuẩn bị , chúng tôi tới diễn vào ngày 20 tháng giêng trước 600 đứa trẻ từ lớp 2 tới lớp 6. Mấy em nhỏ của lớp cháu Yến Vi đã tự tập một màn múa nón để chào đón chúng tôi . Ông thày giới thiệu chúng tôi là Mỹ đen mặc áo dài khăn đóng rất trịnh trọng . Chúng tôi giới thiệu những bài hát ru ba miền, điệu dân ca Cò lã, hát làm việc Hò Hụi, cùng với sự biểu diễn các nhạc khí đàn tranh, đàn cò, sinh tiền, muỗng, đàn môi Á châu đủ loại, và hát đồng song thanh .
Khi chương trình chấm dứt cả hội trường đều đứng dậy vỗ tay không ngớt . Nhiều đứa nhỏ đặt câu hỏi về nhạc khí, bài hát dân ca, thời gian học nhạc , và sự phát triển nhạc cổ truyền nhạc Việt ở Việt Nam , vv….
Chúng tôi được bà hiệu trưởng của trường tặng bằng lưu niệm . Chương trình đã được đài truyền hình Việt Nam ở Washington D.C. thu trọn và có phỏng vấn những đứa bé về cảm tưởng của chúng đối với buổi trình diễn nhạc Việt . Chương trình truyền hình được phát tại Washington D.C. , các tiểu bang Virginia, Maryland, Delaware, Pennsylvania và California dành cho cộng đồng Việt Nam .
Tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington, tôi được mời vào nói chuyện về nhạc Việt tại trường tiểu học Olympic Hill . Cháu Nguyễn Tri Tuấn (cháu của tôi) là bác sĩ châm cứu ở Seattle, có hai đứa con học tại trường này , muốn tôi trình bày một vài nhạc khí Việt Nam cho trẻ em nơi đây .
Ngày 30 tháng 1, 2006 , tôi biểu diễn những loại đàn môi, muỗng, và hát đồng song thanh trước 250 trẻ em của toàn trường . Cả thầy lẫn trò đều trố mắt ngạc nhiên trước sự phong phú của các loại nhạc khí tôi biểu diễn . Sau đó tôi vào lớp của cháu Kierra (lớp 2) để dạy các cháu đánh muỗng và hát một bài dân ca bằng tiếng Việt . Rồi tôi vào lớp mẫu giáo có cháu Misae (con trai của cháu Tuấn, 5 tuổi) để sinh hoạt cùng với 20 đứa trẻ mẫu giáo . Chúng hát với tôi, và học gõ muỗng rất ăn nhịp .
Trước ngày tôi trở về Pháp, tôi ghé lại thành phố Reston và được mời tới trường Hunters Woods vào ngày 7 tháng 2 để dạy cho hai lớp 6 về lịch sử đàn môi trên thế giới và minh họa với 7 loại đàn môi khác nhau của các xứ Yakutia, Trung quốc, Việt Nam, Phi Luật Tân, Indonesia, Áo quốc .
Qua mấy buổi giới thiệu nhạc Việt tại hai trường tiểu học Mỹ, chúng tôi rất vui mừng vì đây là lần đầu tiên nhạc Việt được đưa vào trường tiểu học Mỹ, giúp cho các em nhỏ khám phá tinh hoa của nhạc Việt và mang lại niềm tự hào cho mấy em nhỏ gốc Việt
Trình diễn Tết cho cộng đồng Việt tại Mỹ và Na Uy
Năm nay chúng tôi « ăn » Tết ở nhiều nơi với cộng đồng Việt Nam ở Mỹ , và Na Uy .
Ngày 22 tháng giêng , chúng tôi trình diễn tại thành phố Wilmington, tiểu bang Delaware trước 1200 khán giả . Chương trình Tết được tổ chức long trọng với các thức ăn đầy mùi Tết như bánh chưng , bánh tét, mứt , các nhành mai, đào nhân tạo cùng với màn múa lân chào đón khách . Các em biểu diễn các màn múa, biểu diễn thời trang . Chúng tôi là khách mời danh dự trình bày những tiết mục đặc biệt của nhạc Việt và thu hút khán giả Mỹ và Việt qua những tràn pháo tay . Nhiều người đã tới khen chúng tôi . Khán giả Mỹ cho biết là lần đầu được nghe nhạc Việt rất đặc sắc và mới lạ . Họ rất thích và khâm phục sự phong phú của âm nhạc cũng như phong tục Việt Nam . Những đứa trẻ Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ cũng bày tỏ sự hân hoan với chúng tôi .
Trong hai ngày 4 và 5 tháng 2, 2006 , nhóm sinh viên Việt Nam ở Seattle , tiểu bang Washington, đã tổ chức một chương trình đại qui mô trong hai ngày để đón Tết . Năm nay là năm thứ 10 với một chương trình đại qui mô . Ngoài chúng tôi diễn nhạc dân tộc thu hút rất đông khán giả , đặc biệt là có sự tham gia của hai đứa cháu Kierra và Misae (con của cháu Tuấn) trên sân khấu . Hai cháu nhỏ 8 tuổi và 5 tuổi sinh ra tại Mỹ mà hát Hò Hụi và Hái Hoa trên sân khấu với chúng tôi và rất được tán thưởng . Chương trình Tết có phần nhạc thính phòng với Tuấn Ngọc , Thu Phương . Chương trình nhạc dân tộc và tân nhạc có sự tham gia của ca sĩ Don Hồ, Ngọc Huyền, ban cổ nhạc đàn tranh Việt Hải . Các tiết mục khác như biểu diễn võ thuật Việt Nam , trình diễn áo dài thời trang , đố vui để học với các em nhỏ về địa lý, lịch sử, phong tục tạo một bầu không khí vui nhộn . Các quán ăn như Phở Bò (ông chủ tiệm có 7 tiệm phở tại thành phố Seattle) , bánh ướt chả lụa, bánh chưng rất được chiếu cố . Một chợ Tết làm cho cộng đồng tha hương có dịp nhớ lại những hình ảnh quê hương và những đứa trẻ được cha mẹ đưa đến để hòa mình trong bầu không khí Tết ở hải ngoại .
Tại thủ đô Oslo (xứ Na Uy) tôi được mời sang trình diễn nhạc cổ truyền Việt Nam . Chương trình Tết cộng đồng Việt – Na Uy do một hội trẻ Việt –Na Uy tổ chức đã được chính quyền Na Uy hỗ trợ và được nhiều hội đoàn Việt Nam ở Na Uy tham gia . Trung Tâm Việt – Na Uy (Norsk – Vietnamesisk Senter) tạo một nhịp cầu giữa 2 nền văn hóa Việt Nam và Na Uy, đồng thời gây mối thiện cảm cho các bạn trẻ qua các lãnh vực như văn hóa, chính trị …
Một buổi lễ Tết thành công ngoài dự trù, như lời Ban Tổ chức, và thuần túy dân tộc với hơn 250 quan khách, Việt và Na Uy tham dự; được bắt đầu vào lúc 15 giờ, thứ bảy, ngày 11 tháng 2 năm 2006, tại hội trường Sogn Videragaaende Skole, thủ đô Oslo.
Thành phần quan khách tham dự gồm có: Ông Osmund Kaldheim, Giám đốc Cơ quan Hội nhập Ngoại kiều; ông Kahlid Salimi, đảng Lao Động; ông Nadeem Butt, cơ quan chống kỳ thị; ông Toralv Moe, Công xã Oslo; ông Baard Folke Fredriksen, đảng Hữu Khuynh; ông Torbjoern Jelstad; cùng tất cả các tổ chức và hội đoàn Na Uy và Ngoại kiều, cũng như đại diện các đoàn thể người Việt Nam, thân hào nhân sĩ và đồng hương. Ngoài ra, các quầy bán thức ăn đầy mùi vị quê hương được đồng hương và người bản xứ nhiệt tình chiếu cố; đặc biệt có quầy Ông Đồ ngồi viết câu đối, khiến người ta hồi tưởng lại mấy vần thơ của Vũ Đình Liên mỗi khi đón Xuân về. Buổi lễ kết thúc vào lúc 18 giờ 30 cùng ngày trong tinh thần vui đón chúa Xuân nơi xứ ngườị
Cộng đồng người Việt ở hải ngoại bây giờ như thức tỉnh , để ý tới những gì đụng tới văn hóa , nghệ thuật, âm nhạc cổ truyền . Rất nhiều người Việt thành công về mặt thương mại , đặc biệt là nhà hàng bán món phở . Tại Seattle có nhà hàng Phở Bò có tới 7 tiệm . Ngoài ra có tiệm Phở Cyclo rất đông khách . Người Mỹ khám phá món phở từ 10 năm nay và ở khắp các tiểu bang đều mọc nhiều tiệm phở .Gần đây hơn phát hiện một loại nhà hàng Việt chuyên nấu các món đặc sản miên Bắc, Trung hay Nam với tên tiệm rất Việt Nam như Tamarind Tree (Quán Cây Me) tại Seattle .
Với những chuyến lưu diễn chúng tôi có dịp gặp gỡ cộng đồng Việt Nam ở khắp năm châu từ gần 30 năm qua và đã thấy rõ sự lớn mạnh và thành công của cộng đồng Việt Nam ở khắp nơi .
Trần Quang Hải