• Skip to primary navigation
  • Skip to main content
  • Skip to primary sidebar

Tran Quang Hai

Music news from a Vietnamese traditional musician

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Liên hệ
  • Phiên bản 1.0
Bạn đang đọc ở chuyên mục: » ARTICLES » Nguyễn Thị Minh Châu: Tôi đi điền dã xứ người, 2005

Nguyễn Thị Minh Châu: Tôi đi điền dã xứ người, 2005

24.03.2018 by Hai Tran Quang

Nguyễn Thị Minh Châu

 

 

Tôi đi điền dã xứ người

 

I

Cuộc “điền d㔠mở màn bằng sự trì hoãn giờ cất cánh. Kinh nghiệm nhiều lần làm khách hàng của Vietnam Airlines mách bảo tôi phải chủ động gọi điện trước, nhờ vậy mới hay chuyến bay Hà Nội – TP Hồ Chí Minh chậm lại 40 phút. Ngỡ mình khôn ngoan vậy sẽ tránh được cảnh lắt lay ở sân bay, nhưng rồi đến lúc tôi chợt nhận thấy thời gian trong phòng chờ đang kéo dài đến mức nghi ngại, quả nhiên các quí khách lại được nhận lời xin lỗi vì chuyến bay trễ thêm 30 phút nữa. Tổng cộng 70 phút chậm trễ chưa ghê gớm gì so với nhiều chuyến trục trặc mà tôi từng nếm trải. Chỉ e ngại một nỗi chúng tôi còn phải làm thủ tục xuất cảnh tại Tân Sơn Nhất, đoàn công tác của Viện Âm nhạc do viện phó Lê Văn Toàn dẫn đầu (thành viên độc nhất là tôi!) có thể trễ chuyến bay sang Paris và cũng có thể tan tành mây khói luôn cuộc điền dã xứ người.

Cám ơn “Vietnam Sorry” (tên gọi “thân mật” của Vietnam Airlines) đã không tiếp tục “xin lỗi quí khách” cho đủ quá tam ba bận. Tới Tân Sơn Nhất, chúng tôi chạy đứt hơi từ điểm “Đến” nội địa sang khu vực “Đi” quốc tế, nháo nhào làm thủ tục hải quan, vừa tìm đúng ghế của mình thì máy bay khởi động. Các kim đồng hồ nhích dần đến số 12: gần nửa đêm. Tôi cứ khắc khoải: các con vắng mẹ chịu đi ngủ đúng giờ hay cứ tha hồ thức chơi?

Chuyến bay 12 tiếng đồng hồ kết thúc lúc 6h45 sáng (giờ Paris). Phải vạ vật khoảng 6 tiếng nữa chờ bay sang London. Thôi thì cứ tận hưởng cơ hội ngồi chơi xơi nước chẳng mấy khi tôi có được. Tưởng chậm trễ là bệnh kinh niên của riêng Hàng không Việt Nam, hóa ra Air France cũng cho chúng tôi cộng thêm gần một giờ nữa vào quĩ thời gian thỏa thê ngắm nghía không gian chờ quá cảnh của sân bay Charles De Gaulle. Khi lên máy bay, tôi còn muốn ghi thêm vào nhật kí điền dã xứ Tây của mình một điểm nữa an ủi cho chính mình: tiếp viên Hàng không Pháp thua xa Hàng không Việt Nam, các cô gái Vietnam Airlines trẻ trung, dễ thương và mặc đẹp hơn nhiều!

ở nơi lạ nước lạ cái chẳng gì mừng rỡ bằng nhận ra người “của mình”. Chờ đón chúng tôi ở sân bay Heathrow là nhạc sĩ Việt kiều Pháp Trần Quang Hải, “linh hồn” của đoàn Việt Nam đi Hội thảo quốc tế về âm nhạc truyền thống tại Anh quốc, cũng là người tài trợ cho toàn bộ chuyến đi cho riêng tôi. Từ năm 2002, anh Hải giúp Viện Âm nhạc rất nhiều trong đối ngoại, đều đặn đóng lệ phí để Viện được công nhận là thành viên chính thức của Hội đồng quốc tế Âm nhạc truyền thống (The International Council for Traditional Music, viết tắt ICTM), đều đặn tài trợ 1000 euros mỗi năm để chi phí cho một chuyên viên nghiên cứu của Viện tham gia Hội thảo…

Một chuyên gia nghiên cứu có 8000 học trò, một nghệ sĩ biểu diễn trên 60 quốc gia, một nhà dân tộc nhạc học từng có tên trong 20 từ điển của nhiều nước Âu – Mĩ mà đối với chúng tôi hết sức bình dị và gần gũi như ông anh cả. Trước tiên là màn chụp hình kỉ niệm ngay tại cửa hải quan, người nghiện chụp ảnh như anh Hải không thể bỏ qua những giây phút đầu tiên của cảnh gặp gỡ. Tiếp đến cuộc dạo quanh đường phố London cùng đống đồ lỉnh kỉnh. Vai đeo túi tay kéo vali, ba anh em chúng tôi rồng rắn chui xuống xe điện ngầm rồi lại leo lên, lượn ngược lượn xuôi từ đường này tới phố nọ. Metro ở London già cả trăm năm rồi nên không quá sâu, dùng cầu thang thường nhiều hơn thang máy khiến chúng tôi cứ oằn cả người nhấc vali lên từng bậc, rồi lại đâm đầu vào dòng người đi ngược chiều vì không có phản xạ đi phía bên trái đường như người Anh. Để “xạc điện”, anh Hải dẫn cả bọn đến phố Tầu chọn một tiệm ăn vừa mắt anh nhất. Trước khi chúng tôi tấn công vào tô cháo thập cẩm to bự, anh không quên chĩa ống kính “đặc tả” món ăn và ghi lại bộ dạng từng đứa để bổ sung cho tập ảnh du kí của anh.

Sau bốn – năm tiếng đồng hồ lang thang cho chúng tôi một khái niệm sơ sơ về London, người hướng dẫn du lịch tuy không chuyên nhưng thừa nhiệt tâm đưa chúng tôi đến King’s cross St Pancras – ga vừa bị đánh bom khủng bố tháng trước – để chờ xe lửa đi Sheffield, nơi tổ chức Hội thảo. Chuyến xe lửa kéo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ, tới Sheffield thì trời đã tối hẳn. Thêm một chặng cuốc bộ kéo lê vali túi xách tới bến xe buýt.

Một thanh niên cột tóc đuôi ngựa cũng tay xách nách mang như tụi tôi đang ngồi chờ xe. Anh Hải nhào tới bắt chuyện và quả như anh đoán trước, cậu này đích thị là đại biểu tới dự Hội thảo ICTM. Không bỏ lỡ cơ hội thu phục tín đồ, anh lập tức truyền giáo bằng cách trổ tài hát đồng song thanh – một lối hát phát ra hai giọng cùng lúc rất lạ kì của người Mông Cổ và Tuva mà anh đã dày công nghiên cứu và truyền bá suốt ba mươi sáu năm nay. Đương nhiên là anh bạn trẻ kia cứ tròn cả mắt há cả miệng ra nghe. Người xem say sưa, người diễn càng say sưa, kết quả là nhỡ luôn chuyến xe số 60 mà chúng tôi cần.

Lên xe buýt rồi ông anh hay chuyện của chúng tôi quên phắt vai trò dẫn đường tiếp tục mê mải “giao lưu”. Khi hỏi người lái xe tới Ranmoor House chưa mới biết đã đi quá hai bến rồi, cả bọn vội lục tục khuân đồ đạc xuống xe. Từ mấy tuần trước Viện Âm nhạc đã nhận được email của Ban tổ chức thông báo mọi chi tiết về Hội thảo, trong đó chỉ dẫn rất kĩ càng cả tuyến xe, giá vé, điểm dừng ở Ranmoor House. Song tụi tôi chẳng buồn ngó ngàng đến và hoàn toàn yên tâm phó thác đời mình cho ông anh, nhắm mắt đưa chân theo ông anh đến cùng trời cuối đất.

Đoàn đại biểu cắm cúi nối đuôi nhau lội bộ ngược lại quãng đường vắng, tiếng bánh xe của mấy chiếc vali rầm rầm phá vỡ không gian khuya khoắt. Dù nước Anh chưa qua khỏi nỗi kinh hoàng sau các vụ khủng bố, nhưng theo thông tin từ Ban tổ chức, tỉ lệ tội phạm ở Sheffield rất thấp và khu vực Ranmoor là một trong những điểm an toàn nhất của thành phố này. Không một bóng người để hỏi thăm, mãi mới xuất hiện một chiếc taxi kiểu cổ đặc trưng của Anh Quốc. Không biết ông anh của chúng tôi hỏi han duyên dáng cỡ nào mà tài xế mủi lòng tình nguyện chở miễn phí đoàn lữ hành sắp hết hơi đến tận cổng tòa nhà Ranmoor.

Đây là khu nhà ở dành cho sinh viên Trường Tổng hợp Sheffield. Người thường trực đón tiếp những vị khách đêm hết sức niềm nở, ông đưa từng người tới phòng riêng, ân cần hướng dẫn cách sử dụng bếp, phòng tắm… Căn phòng nhỏ làm dội lên kỉ niệm một thời sinh viên ở xứ người, tôi tự trấn an con người yếu đuối trong tôi, đây chỉ là chuyến họp ngắn ngày thôi mà, rồi tôi lại trở về, đâu phải đằng đẵng nhiều năm một mình như thuở nào…

Các kim đồng hồ lại nhích đến con số 12: nửa đêm theo giờ nước Anh, ở nhà đã 6h sáng, các con tôi sắp phải dậy đi học rồi. Tôi bay ngược thời gian đuổi theo mặt trời lặn để có một ngày dài thêm 6 tiếng đồng hồ. Bây giờ mới thấm thía cái rã rời của chuyến đi hơn 36 tiếng kể từ lúc “rời bến” tới khi “cập bến” – nói theo các làn điệu Hò sông Mã là đề tài tham luận của tôi trong Hội thảo.

Kết thúc ngày đầu tiên của “cuộc điền d㔠xứ người.

II

Trước giờ khai mạc Hội thảo, ba anh em chúng tôi kịp làm một chuyến thám hiểm trung tâm Sheffield. Thành phố im lìm đêm qua giờ hiện lên rực rỡ trong ánh nắng. ấn tượng nhất đối với tôi về thành phố lớn thứ tư Anh Quốc là hoa và cây. Những chùm hoa đung đưa khoe đủ sắc màu trên các cột đèn đường, trên các bờ tường tiệm ăn, quán bar. Những tượng đàn ông đàn bà đứng ngồi cao ngất ngưởng, phải tới gần mới biết được cấy ghép một cách tài tình từ các loại cây. Sheffield được coi là thành phố xanh nhất nước Anh với trên 150 cánh rừng và 50 công viên, với những khu vườn lộng lẫy bộ sưu tập hàng nghìn loại cây khác nhau trên thế giới. Loanh quanh chụp hình trên những con đường dành cho người đi bộ, ngó nghiêng mấy cửa hàng mua sắm để lắc đầu lè lưỡi với giá cả, cuối cùng chúng tôi nhảy đại lên một chuyến xe điện đi đến bến chót để thỏa sức phóng tầm mắt trên những đồi cỏ mênh mông vùng ngoại ô.

Đây không phải lần đầu tiên các nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học ICTM gặp gỡ nhau tại Anh Quốc. ICTM ra đời tại London năm 1947. Theo định kỳ cứ hai năm ICTM lại tổ chức Hội thảo quốc tế. Tới Hội thảo thứ 38,  ICTM lại trở về Anh Quốc sau khi chu du qua nhiều nước Âu, Mĩ, á, úc. Đến Hội thảo lần này, đoàn Việt Nam còn có một “thủ lĩnh” nhiều năm là ủy viên thường trực của Ban chấp hành ICTM: nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Tô Ngọc Thanh. “Làm ba khóa rồi, lần này tớ xin rút!”, chú Thanh yên lòng rằng ứng cử viên Trần Quang Hải sẽ trúng và trong Ban chấp hành mới Hội đồng quốc tế Âm nhạc truyền thống vẫn có một đại diện người Việt. Tin chắc mấy cũng vẫn hồi hộp khi nghe Hội nghị công bố kết quả bỏ phiếu kín, người thứ ba trong số bốn ủy viên thường trực vẫn không phải anh Hải. Tên anh đứng chót danh sách trúng cử làm niềm vui của chúng tôi như được nhân lên sau màn đứng tim đầy kịch tính.

Phiên họp đầu tiên nối tiếp ngay sau Lễ khai mạc nhanh gọn trong vòng 45 phút. Thấy rõ Ban tổ chức không chạy theo những thủ tục hình thức hoành tráng hào nhoáng mà rất chú trọng phần cốt lõi. Khác với cung cách hội thảo xứ ta vốn nặng tính chất hội nhiều hơn thảo, và các bản tham luận thường ham dài – tham góp nhiều hơn luận bàn. Và cũng khác với ở ta quen trình bày tham luận theo lối độc thoại, ở đây người ta cần đối thoại vì mục đích của hội thảo là tạo cơ hội tốt nhất cho sự trao đổi ý tưởng giữa các nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia khác nhau. Tổng thời gian trình bày cho mỗi người tối đa là 20 phút, tính cả lời giới thiệu của chủ tọa, cả thời gian bước lên diễn đàn và thời gian đưa ra thí dụ minh họa bằng âm thanh hoặc phim ảnh. Bạn có thể được hoan nghênh nếu thuyết trình ngắn hơn thời gian qui định, nhưng cứ thử lấn thêm một giây xem, chủ tọa phiên họp sẽ “chặn họng” bạn không thương tiếc ngay khi thời khắc của bạn vừa điểm. Người ta cần những bản báo cáo cô đọng xúc tích “như bài thơ hơn là bài văn tường thuật”. Người ta nhấn mạnh sự khác biệt giữa việc trình bày tham luận trước hội nghị với lúc đọc bài viết trên báo chí, đó là vai trò tham gia tích cực của người nghe, là sự phản hồi trực tiếp của thính giả ngay sau khi nghe báo cáo. Tham luận càng hay người nghe càng muốn thảo luận nhiều. Bởi vậy 10 phút thảo luận sau mỗi bản báo cáo mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng và những qui định nghiêm ngặt về thời gian luôn được tuân thủ chính xác cũng là để bảo toàn cho giờ thảo luận. Nếu chưa thỏa mãn với phần hỏi – đáp trong phiên họp, mọi người tìm đến nhau tiếp tục trao đổi trong giờ giải lao xen kẽ giữa bốn phiên họp trong mỗi ngày, và đấy không đơn thuần là lúc thư giãn mà còn là khoảng thời gian lý tưởng để gặp gỡ giao lưu. 80 phiên họp – mỗi phiên có từ một đến chín người báo cáo diễn ra ở năm phòng họp khác nhau. Nếu bạn quan tâm cả năm tham luận chẳng may lại được trình bày cùng một lúc thì buộc phải “hi sinh” bốn để chọn lấy một. Và để kịp nghe những tham luận chọn trước đó, các đại biểu cứ tất bật ngược xuôi chạy “sô” từ phòng này sang phòng khác.

Nội dung Hội thảo lần thứ 38 xoáy mạnh vào các nhóm chủ đề sau: nhạc – múa và chiến tranh, phục hồi nhạc – múa cổ truyền, nhạc và múa Hồi giáo, sự vận dụng dân tộc nhạc học và dân tộc vũ học trong nghiên cứu.

Những điểm nóng trên địa cầu trong thời gian gần đây như Iraq, Kosovo, Bosnia, Croatia… lần lượt có mặt trong chuyên mục âm nhạc thời chiến và hậu chiến. Âm nhạc và chính trị cũng nằm trong nhóm chủ đề này với những tham luận về “di chứng” của cách mạng văn hóa thập niên 60 ở Trung Quốc trong bảo tồn truyền thống, về mối quan hệ giai cấp, chủng tộc và âm nhạc trong chiến tranh lạnh, về tác động của chính trị trong phục hồi nhạc truyền thống ở Đông Nam á… Âm nhạc của dân di tản được nói tới nhiều cùng những diễn biến liên quan đến tính toàn cầu, đến hiện tượng đa văn hóa, văn hóa lai tạp hoặc văn hóa đồng nhất. Qua đây có thể thấy rõ hơn đời sống âm nhạc và múa của cư dân Hi Lạp ở Đức, Mĩ La Tinh ở Canada, Ucraina ở Chicago, ấn Độ ở Bồ Đào Nha, Sri Lanka ở Anh, Việt Nam ở châu Âu, úc, Mĩ, v.v.

Thu hút nhiều tham luận nhất là chủ đề tái sinh, phục hồi nhạc và múa cổ truyền. Không ít băn khoăn gợn lên trong các tham luận về sự tái tạo và chuyển đổi chức năng sử dụng nhạc và múa dân gian. Càng có nhiều điều phải tranh cãi hơn trong việc phát triển nhạc truyền thống mới. Cái nhìn còn mở rộng tới mối liên hệ với cội nguồn dân gian trong nhạc hiện đại và trong nhạc giải trí pop, rock, rap, hip – hop… Nhiều chuyện xứ người sao mà giống xứ mình quá vậy. Thấy người mà ngẫm đến ta qua những cái hay – dở được nêu lên từ những nhận xét về hiện trạng hát ru ở Nhật Bản, những cố gắng tái tạo truyền thống Nhã nhạc Gagaku, Trường khúc Nagauta trong sáng tác mới, cách tôn vinh cây đàn Ranat bằng cuốn phim truyện gây cơn sốt cho giới trẻ Thái Lan đua nhau học nhạc cụ cổ truyền, sự phục hồi múa du mục Rumania trong văn hóa du lịch, việc lạm dụng nhạc cụ cổ truyền theo lối giao hưởng hóa kiểu phương Tây hoặc theo phong cách trình diễn đầy khêu gợi của các ban nhạc pop rock ở Trung Hoa, những cảnh báo về hiện trạng giáo dục nhạc truyền thống trong các trường phổ thông Nhật Bản với hình ảnh minh họa phòng học nhạc chỉ treo chân dung các nhạc sĩ Cổ Điển châu Âu …

Một số báo cáo đề cập đến nhạc tôn giáo – nhạc Thiên chúa giáo, Phật giáo, nhưng vị trí ưu tiên trong chủ đề âm nhạc và tôn giáo ở Hội thảo lần thứ 38 được dành cho đạo Hồi. ở thời điểm nhạy cảm này, khi mà các vụ đánh bom khủng bố của những người Hồi giáo cảm tử ngày càng lan rộng khắp các châu lục, các nhà nghiên cứu âm nhạc và múa tiếp cận với thế giới Hồi giáo không chỉ nhắm vào các quốc gia đạo Hồi mà cả cộng đồng Hồi giáo ở nhiều quốc gia khác, không chỉ ngang qua nhạc và múa dân gian mà cả nhạc giải trí pop, rap, hip – hop được dùng như công cụ tuyên truyền, nghĩa là không những trải dài từ quá khứ đến hiện tại mà còn trải rộng trên bình diện toàn cầu.

Thời đại toàn cầu hóa một mặt cho thấy tầm quan trọng của công nghệ thông tin đang tích cực internet hóa, kĩ thuật số hóa lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc và múa, mặt khác cũng buộc người ta phải giật mình nhìn nhận lại ý nghĩa của bản sắc đặc thù cho từng vùng khác nhau trên địa cầu. Từ đó vai trò của dân tộc nhạc học và dân tộc vũ học ngày càng mở rộng và sâu sắc hơn với nhiều phương pháp mới mà các nhà nghiên cứu muốn đưa tới Hội thảo để trao đổi học hỏi lẫn nhau.

Hội nghị cho thấy một điều mang ý nghĩa toàn cầu: các nhà dân tộc nhạc học không “khoanh vùng” đề tài trong giới hạn dân tộc mình, đất nước mình đang sống. Không ít người tự thân họ đ㠓chứa đựng” những yếu tố đa văn hóa vì quốc tịch và nguồn gốc dân tộc của họ không “đồng nhất” (như đại ca họ Trần của chúng tôi). Bên cạnh đó còn có rất nhiều nhà nghiên cứu “thuần nhất” nguồn gốc và quốc tịch vẫn luôn quan tâm đến các dân tộc khác, quốc gia khác. Nghiên cứu về dân tộc nào quốc gia nào, trước hết họ không chỉ từng đặt chân đến quốc gia đó mà phải nói được ngôn ngữ dân tộc đó. Lại ngẫm đến mình, rào cản ngôn ngữ là điều chúng ta vẫn chưa vượt qua được trong thời đại hội nhập này. Chưa nói đâu xa, chỉ kể trên lãnh thổ Việt Nam với 54 dân tộc khác nhau, chúng ta có mấy nhà nghiên cứu nói được tiếng dân tộc anh em khi nghiên cứu nghệ thuật dân gian của họ?

Phương pháp và kết quả nghiên cứu dân tộc nhạc học và vũ học ngoài ra còn được minh họa sống động bằng những cuốn phim trình chiếu vào các buổi tối. Cách làm phim dân tộc nhạc học có khá nhiều điều đáng tham khảo cho “dân” nghiên cứu văn hóa âm nhạc xứ ta. Tính tài liệu xác thực ở đây được đề cao. Có bàn tay sắp đặt cố tình, những hình thức “mông mᔠlộ liễu nhằm nâng cao tính nghệ thuật nhiều khi lại phá vỡ hiệu quả chân thực về đối tượng nghiên cứu.

“Cộng đồng” người Việt tại Hội nghị vỏn vẹn có bốn mạng chúng tôi bỗng nhiên được bổ sung thêm hai “người nhà”. Họ thực sự được coi là người nhà bởi họ thông thạo tiếng Việt và rất gắn bó với âm nhạc cổ truyền Việt Nam, đó là cô gái Đức Gisa Jaehnichen và chàng trai Anh Barley Norton. Từng lăn lộn nhiều năm ở Việt Nam, Gisa đã xuất bản những công trình nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Nam bộ và về Ca trù. Barley là một tay đàn đáy –  môn sinh của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi, đã làm luận án thạc sĩ về Ca trù và luận án tiến sĩ về Chầu văn. Cùng xếp hàng lấy bữa ăn trưa với chúng tôi, hai người bạn đều “tán phét” bằng tiếng Việt. Barley giải nghĩa tên mình nghĩa là lúa mạch. Tôi hỏi vậy tôi gọi cậu là Hai Lúa được không? Anh chàng gật đầu cười với vẻ hiền lành chân chất như một Hai Lúa Nam bộ chính hiệu. Ai đó đùa: anh chàng người Việt này cao thế nhỉ? Hai Lúa giải thích bằng tiếng Việt: người Việt này “lai”!

Tiết mục mở màn cho phái đoàn Việt Nam là tham luận của tiến sĩ khoa học Trần Quang Hải 30 năm nhạc Việt tại hải ngoại (1975-2005) được trình bày trong phiên họp chuyên đề âm nhạc của dân di cư. Phải là người trong cuộc như anh Hải mới có thể trình bày một cách sống động diễn biến và thực chất âm nhạc của người Việt xa xứ tồn tại dưới ba hình thức: nhạc cổ truyền, ca khúc mới và nhạc đàn theo phong cách phương Tây. Đây là mảng đề tài xứ ta ít động tới, vì vậy tôi cứ ra sức năn nỉ tác giả tham luận chịu khó viết lại bằng tiếng Việt để đăng tải trên báo chí trong nước. Anh Hải ngại ngần lo vốn tiếng Việt của anh không đủ sài, dù anh vẫn tự trau dồi tiếng mẹ đẻ trong mấy chục năm tha hương bằng cách viết hàng trăm bài báo và du kí về các chuyến biểu diễn hội họp xứ người.

Tiếp theo cùng ngày có phiên họp  Chính trị, chủ nghĩa dân tộc và âm nhạc tại Việt Nam và Lào do tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh chủ tọa. Phần tham góp của chàng Hai Lúa Barley là bài Văn hóa dân tộc và sự sống lại của âm nhạc cổ truyền ở Việt Nam với những vấn đề liên quan đến đường lối chính trị trong giai đoạn chiến tranh, những đổi thay quan niệm trong thời mở cửa, sự hưởng ứng và phản ứng trước trào lưu toàn cầu hóa. Trong phần minh họa có đoạn băng câu lạc bộ Ca trù Thái Hà biểu dương lực lượng bằng một dàn cả chục cây đàn đáy đệm cho vài chục đào nương hát đồng ca. Như một nhà ngoại giao khéo léo, chủ tọa Tô Ngọc Thanh bày tỏ lời cám ơn đầy cảm kích và kịp thời nói rõ hiện tượng trên không đại diện cho quan niệm bảo tồn nhạc cổ truyền ở Việt Nam.

Buổi báo cáo của Viện Âm nhạc do anh Hải chủ tọa xếp gần cuối chương trình hội thảo, sát ngày bế mạc. Gisa thực lòng lo cho trình độ giao tiếp tiếng Anh rất ấm ớ của tụi tôi nên nhắc hai “ông già” – ông chú và ông anh – nhất định phải kèm cặp chúng tôi thật kỹ. Ngay hôm đầu ông anh đã kiểm tra đàn em thời lượng thuyết trình và phát âm tiếng Anh, đồng thời chuẩn bị nội dung tóm tắt bằng chương trình Power Point rồi, giờ chỉ việc cùng ông chú tổng duyệt lại. Trước khi đi Hội nghị, anh Hải báo qua email đã sắm đồng hồ bấm giờ và xin lỗi trước sẽ không thương tiếc cắt ngang nếu tụi tôi ham diễn thuyết quá 20 phút qui định. Để đồng hồ của anh chẳng có cơ hội ré lên, tôi cắt ngắn báo cáo của mình đến mức không thể ngắn hơn, những chi tiết “râu ria” thì nói xen với phim minh họa. Tổng thời gian trình bày cộng thêm 5 phút xem DVD cũng chỉ chừng 15 phút. Vậy nên phần sát hạch Hò sông Mã và sự phục sinh của tôi được thông qua chóng vánh để chuyển sang Nghệ thuật diễn Trò thiếp và Múa đèn của tiến sĩ Quan họ Lê Văn Toàn. Nhìn chú Thanh cùng anh Hải cặm cúi cắt cúp, chỉnh lý từng câu chữ, tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh này, một hình ảnh rất chân thực về tấm lòng tận tình của sư phụ sư huynh dành cho đệ tử. Có đến xứ người mới thấy hết tình đồng đội – đồng màu cờ sắc áo và đồng cam cộng khổ giữa “quân ta” với nhau.

Chính vì biết phía sau mình luôn có hai “tiền bối” – người này lo trợ giúp tiếng Anh, người kia sẵn sàng ra tay “gỡ bí” trong lúc thảo luận – nên tôi càng thêm tự tin trong buổi truyết trình, mà với tôi không gì hiệu quả bằng yếu tố tâm lí. Vừa nói vừa quan sát phản ứng của người nghe, tôi yên tâm thấy không ai ngủ gục, có thể họ chưa kịp ngủ gục tôi đã trình bày xong. Liên tiếp đưa ra những câu hỏi và ý tưởng thú vị, cử tọa còn “mơ” đến một cuộc hội thảo quốc tế chuyên về dân ca trong lao động của các dân tộc khác nhau. Sau phiên họp, thậm chí hôm sau vẫn có người tìm đến hỏi tiếp và nói Hò sông Mã đã gây ấn tượng đặc biệt. Một niềm an ủi đang xoa dịu phần nào nỗi đau riêng. Hình như tôi vẫn có thể làm được gì đó dù rất nhỏ nhoi, dù quá chậm trễ cho quê nội – miền quê mà tôi đã chối bỏ vì những lí do riêng từ hàng chục năm trước.

Lần cuối cùng tôi về thăm quê cách đây tròn 41 năm. Ngày 5-8-1964, mở màn cuộc chiến tranh bắn phá miền Bắc, máy bay Mĩ bất ngờ dội bom xuống nhiều nơi trong đó có vùng sông Mã. Lênh đênh trên con đò gỗ giữa dòng sông, tôi được nếm mùi bom đạn lần đầu tiên trong đời (lúc còn chưa bước chân vào lớp 1), đã nhìn thấy chiếc máy bay Mĩ đầu tiên bị bắn cháy trên bầu trời Thanh Hóa. Tất nhiên câu chuyện ngoài lề này không có trong tham luận. Tôi “lội ngược” kí ức một chút để nhắc đến cái thời bắt đầu mất dần những con đò gỗ với những trai đò tay chèo, miệng hò, chân giậm lên ván thuyền tạo nền tiết tấu độc đáo có một không hai của xứ Thanh. Chẳng lẽ cứ để một vốn quí như thế tuột khỏi tầm tay chúng ta? – tất cả hai chục phút thuyết trình có thể gói gọn trong nỗi niềm day dứt đó. Mang Hò sông Mã đến diễn đàn quốc tế, điều này với tôi có ý nghĩa như một sự trở về – trở về cội nguồn ngay ở nơi xứ người.

Là người mở màn, anh Hải kiêm luôn tiết mục chót của Việt Nam bằng bộ phim Đồng song thanh nói về phương pháp dạy kĩ thuật hát đặc biệt này cho trẻ em ở độ tuổi 13-17. Cử tọa thích thú như được xem ảo thuật. Để chứng minh thêm rằng ai cũng có thể học được “trò phù thủy” đó, thầy phù thủy Trần Quang Hải ứng dụng truyền nghề ngay tại chỗ và phòng chiếu phim trong chốc lát biến thành phòng học hát đồng song thanh. Mọi người ra sức luyện giọng mũi, đua nhau i-o, u-a váng cả lên. Vài phút sau, những ai được thầy gọi lên “trả bài” đều hỉ hả và bất ngờ với chính mình vì cổ họng của họ cũng phát ra bồi âm tạo nên hai giọng cùng lúc.

Ngoài những giờ giải lao cà phê cà pháo xen kẽ với các phiên họp căng thẳng đầu óc suốt 8 ngày Hội nghị, các đại biểu còn được giải trí và giao lưu nhiều hơn trong các buổi hòa nhạc đêm tại quán bar của Ranmoor House, trong những cuộc vui nhảy nhót và thăm quan dã ngoại. Không ít nhà nghiên cứu cũng là nhạc sĩ sáng tác hoặc nghệ nhân đàn dân tộc. Họ “hiến” cho Hội nghị những tiết mục cây nhà lá vườn, những tiểu phẩm tự biên tự diễn. Trên sàn nhảy, dường như mọi khoảng cách và khác biệt quốc gia, dân tộc, ngôn ngữ và tuổi tác đều biến đâu mất, chỉ còn lại một cộng đồng cùng chung một nhịp điệu. Ngài Krister Malm, cựu chủ tịch ICTM 8 năm liền, không còn biết đến tuổi 70 của mình cứ hồn nhiên nhảy solo giữa vòng người hưởng ứng quanh ông. Một quái kiệt “gia truyền” như tiến sĩ Trần Quang Hải biết chơi 15 nhạc cụ, được mệnh danh “vua đàn môi”, “vua gõ muỗng” tất nhiên không thể chạy đâu cho thoát. Anh là người dễ mến, dễ hòa nhập, anh ở đâu là ở đó nổi đình nổi đám. Trong các cuộc vui mọi người không chịu buông tha anh và anh cũng sẵn sàng nhảy lên sân khấu nồng nhiệt múa bụng đánh hông lắc mông, không chuẩn bị trước nhạc cụ nào trong tay thì mượn ngay quầy bar hai chiếc thìa khua tưng bừng, hoặc khoe luôn “nhạc khí” lợi hại nhất của mình – giọng hát với khoảng âm rộng chưa từng thấy trên thế giới.

Điều bất ngờ là ở đây còn có một “cộng đồng” nói tiếng Nga, họ từ các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết trước đây đến định cư ở châu Âu và Mĩ. Cô bạn người Kazak reo lên như gặp người quen cũ khi nghe tôi nhắc đến tên phố của kí túc xá Nhạc viện Tchaikovsky. Thi nhau kể tên và hỏi thăm thầy bà bè bạn, chúng tôi nhảy cóc chuyện nọ sọ chuyện kia, hát cả bài Chúc ngủ ngon trong chương trình trẻ con mỗi tối trên truyền hình Liên Xô, cốt để được nói được nghe tiếng Nga, được nhớ đến một thời còn quá trẻ.

Điều lạ nữa là bốn anh em chú cháu chúng tôi vốn chỉ biết nhau qua công việc, đến nơi xa tít mù tắp này mới có dịp hiểu nhau hơn, nghe những nỗi niềm của nhau, cười lăn cười lộn với nhau qua những mẩu tiếu lâm ở bất cứ đâu, bên bàn ăn, quầy bia, trên đường phố Sheffield nhiều hoa hay bãi cỏ đầy nắng gió của lâu đài Chatsworth.

Cuộc chia tay nào chẳng đượm chút ngậm ngùi. Chú Thanh đi hướng Manchester, ba anh em chúng tôi lại rầm rộ kéo vali túi xách quay về London để Toàn bay từ Heathrow về Việt Nam, còn tôi qua Paris cùng anh Hải tiếp tục cuộc điền dã xứ người.

III

Chương trình một đêm một ngày ở London của chúng tôi may mắn có một hướng dẫn viên du lịch tình nguyện, thuộc đường thạo lối như dân bản địa: cô em Bích Trà. Báo chí trong nước không bao giờ quên giới thiệu Trà là con gái của NSND Trà Giang và NSUT Bích Ngọc. Phải nghe Trà đàn mới quên đi “cái mác” đầy hiệu quả quảng cáo đó để thấy em trọn vẹn như một pianist đầy bản lĩnh và tính cách. Phải gặp Trà ở London mới càng phục hơn, thương hơn một cô gái thông minh dí dỏm đa tài, bôn ba xứ người từ năm 14 tuổi và đến nay vẫn một mình một lối đi về vì chưa thấy ai đáng gắn bó với mình hơn cây đàn piano.

Trà đãi chúng tôi một bữa vịt quay tại Four seasons. Thưởng thức “quán Tàu ngon nhất London” rồi, nhóm du khách ngoan ngoãn theo chân cô bé “bản địa” dễ thương qua Wesminster Abbey, tháp Big ben, sau đó thả bộ dọc bờ sông Thames ngắm London by night lấp lánh những chiếc cầu treo, cầu tháp và chiếc vòng tròn khổng lồ London Eye.

London trong đêm dịu dàng bao nhiêu, thì London dưới mặt trời tươi tắn bấy nhiêu. Số tụi tôi hên, đến xứ sở sương mù mà chẳng bữa nào gặp trời mưa. Sau khi ghé qua Royal Academy of Music của Trà, chúng tôi lại lang thang tận hưởng cái ấm áp trong lành ở khu vườn bạt ngàn hoa hồng và cây xanh, chén kem que bên ghế đá công viên, nhâm nhi tách café ở vỉa hè một con phố nhỏ rợp bóng cây và nói với nhau toàn chuyện cười đau cả bụng, làm như trên đời này chẳng còn gì đáng giá bằng được cười.

Vẫn gắng giữ nụ cười thật tươi lúc chia tay, Trà đứng lặng nhìn theo và chìm dần trong đám đông xa lạ. Từ giờ trở đi tôi sẽ nhớ đến London với hình ảnh nao lòng đó.

Sau nhiều đợt nhập – tách, gặp gỡ – chia tay, phái đoàn nhộn nhạo của chúng tôi chỉ còn hai người đến ga Waterloo. Chắc đã thấm mệt, vả lại khán giả rơi rụng gần hết rồi nên ông anh thích diễn trò bỗng nhiên trầm tính, quên cả chọc cười. Nhờ thế tôi mới biết thêm những khía cạnh khác, không chỉ toàn những may mắn, vui vẻ, hội hè, vô tư lự trong con người và chuyện đời của anh. Tôi nhớ đến truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của nhà văn Nguyễn Minh Châu và tiếc đứt ruột rằng mình chỉ trùng tên chứ chẳng trùng nghề với nhà văn nổi tiếng đó để có thể viết Người đàn ông trên chuyến tàu tốc hành.

Chuyến xe lửa cao tốc Eurostar chạy 300 km/h thường xuyên đúng giờ, chẳng biết sao trước khi vào đường hầm xuyên dưới eo biển Manche bỗng thông báo vì phải tránh chuyến tàu khác đang kẹt trong đó nên sẽ đi… giật lùi. Không lẽ vì cái số tôi hễ đi chuyến nào là trễ chuyến đó?

Chúng tôi đến Paris chậm nửa giờ. Chị Bạch Yến, tức Trần Quang Hải phu nhân, đón chúng tôi đến thẳng nhà hàng Bida Việt Nam tại khu phố Tầu quận 13. Gần nửa đêm, chúng tôi vẫn được chủ quán đợi chờ vì chị Bạch Yến đã báo trước. Đây cũng là một trong những việc cần làm theo kế hoạch: gặp mặt anh Đạt, người bị lôi cuốn vào chiến dịch tài trợ Viện Âm nhạc của anh Hải và chị Yến.

Bước vào đây cứ như đang ở Việt Nam. Nhà hàng có đủ loại phở: bò tái, tái chín, tái nạm, bò viên, sụn, gà, lại cả bún chả. Món ăn Việt, nói tiếng Việt. Phục vụ là mấy cậu trai trẻ người Bắc sang du học. Gần tới giờ đóng cửa mà quán vẫn rộn rã, hình như toàn khách quen vì ai cũng có vài câu thân thiện với ông chủ. Tôi tưởng chủ một quán phở trên phố Tầu thì ít nhất cũng bệ vệ cỡ… anh Hải, nhưng trái lại anh Đạt nhỏ nhắn nhanh nhẹn, không có vẻ gì của người làm kinh doanh mà giống dân “văn nghệ văn gừng” hơn. Trong một lần nhậu cà kê dê ngỗng với nhau, được biết anh Hải hàng năm vẫn gửi tài trợ cho Viện Âm nhạc, anh Đạt năn nỉ bạn cho góp một phần nhỏ theo khả năng của mình với điều kiện đừng cho ai biết. Có bao nhiêu người về nước làm từ thiện quay truyền hình đăng báo rầm rĩ? Có bao nhiêu Mạnh thường quân lặng lẽ dấu tên, như các anh chị đang ngồi cùng tôi lúc này?

Một ngày dành trọn cho việc quan trọng nhất trong thời gian ở Paris: viếng thăm văn phòng của anh Hải tại Viện bảo tàng Con người. Tôi theo anh đi đúng lộ trình hàng ngày 90 phút từ nhà đến sở bằng metro. Anh không dùng vé tháng mà mua vé cả năm. Khi làm khách “vãng lai” ở London, anh mua cho cả mấy anh em loại vé sài trong một ngày kèm theo lời giải thích về “tính kinh tế” theo kinh nghiệm của anh. Thấy anh luôn tính sao cho tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày của riêng mình, càng trân trọng hơn sự hào phóng sẵn lòng tài trợ không tính toán cho công việc nghiên cứu trong nước ở anh.

Bảo tàng Con người nằm ở trung tâm Paris. Đài phun nước, những bức tượng khổng lồ, tháp Eiffel… một toàn cảnh đáng ngưỡng mộ lúc nào cũng có đầy du khách dạo chơi, chụp ảnh. Bên trong Bảo tàng cũng là một kỳ quan hấp dẫn. Anh Hải là thành viên của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học nhưng làm việc lâu năm tại đây nên thông tỏ ngóc ngách không thua một nhân viên Bảo tàng. Chẳng gì Musée de L’ Homme cũng thuộc lãnh địa tung hoành của anh mấy chục năm rồi. Nhờ ông thổ địa này tôi mới có cuộc thăm quan miễn phí, kịp ngó những chỗ cần đến nhất trong khoảng thời gian eo hẹp nhất.

Văn phòng của anh Hải nghiên cứu âm nhạc các dân tộc ngoài Pháp, bao gồm những chuyên đề liên quan đến dân tộc nhạc học qua lí thuyết âm nhạc, âm thanh học, nhạc khí học. Trước ở đây trưng bày 8 500 nhạc cụ cổ trên thế giới, giờ chỉ còn sót lại vài chục nhạc cụ sau đợt di chuyển đến một bảo tàng mới. Bất chấp nguyên tắc cấm sờ mó hiện vật, vì trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ, anh Hải tìm khóa tủ bắc thang lôi tất tật những gì có thể và mời mọc tôi thử kéo đàn ba dây Bulgarie, gảy mandoline Hi Lạp, thử đàn quay tay của Anh, thổi kèn cor của Thụy Sĩ, kèn túi của Anh, các kiểu sáo đất của Mehico…

Nhà dân tộc nhạc học chuyên về nhạc Việt Nam và châu á này không muốn vạch biên giới địa lí cho công việc nghiên cứu của mình và rất ham mở rộng tầm nhìn của mình đến nhiều dân tộc khác nhau trên địa cầu. Có lần nghe một người Anh giới thiệu đàn môi, anh tìm gặp diễn giả khai thác chừng 5 phút sau đã nắm được những kĩ thuật cơ bản. Tự tập, tìm hiểu, khai thác và tổng hợp cách diễn tấu đàn môi của các dân tộc á, Âu, Mĩ trong gần 40 năm, anh xứng đáng được người ta tôn làm ông vua đàn môi. Ông vua này là chủ nhân bộ sưu tập 150 chiếc đàn môi (có chiếc phải mua tới 500 USD) và hàng loạt sáng tác tôn vinh âm sắc huyền ảo của đàn môi. Anh đã đưa nhạc cụ dân gian nhỏ bé giản đơn này (trong đó có cả đàn môi của người H’Mông) vào nhạc phim, vào electro – acoustical music, folk music, world music, free jazz.

Trọng tâm nhất và anh cũng tự cho là thành công nhất trong sự nghiệp hoạt động âm nhạc của mình là việc khám phá, phát triển và truyền bá lối hát đồng song thanh. Đây không chỉ là đam mê, là sự đầu tư thời gian, sức lực và trí tuệ mà là sự đánh đổi cả cuộc đời mình. Anh cho tôi xem cuốn phim thực hiện năm 1988 khi anh mới 44 tuổi, trong đó có cảnh rọi X quang vào má để thấy rõ chuyển động vòm miệng trong lúc anh hát đồng song thanh. Bác sĩ cảnh báo 10 phút nhận chất phóng xạ đó sẽ làm anh ung thư và có thể rút ngắn cuộc đời anh lại chỉ còn chừng 10 năm nữa thôi. Đổi lại, nhờ đó anh có thể lý giải chính xác và khoa học, làm sáng tỏ nhiều nghi vấn trong nghiên cứu bồi âm trong kĩ thuật hát đồng song thanh, lối hát đặc biệt mà trước đó anh đã học được từ các nghệ nhân Mông Cổ hoàn toàn theo bản năng. Phim Le chant des Harmoniques chiếu lần đầu tại Hội nghị ICTM ở áo năm 1989 đã khiến cả hội trường xúc động đứng dậy vỗ tay không dứt.

Sáng tạo một trường phái đồng song thanh riêng, anh đã đưa kĩ thuật hát này vào sáng tác nhạc thể nghiệm, nhạc ngẫu hứng và điện tử. Những nghiên cứu về mặt âm thanh học và sư phạm giúp anh thành công trong truyền bá đồng song thanh ở rất nhiều quốc gia. Và không đơn thuần để biểu diễn hay thưởng thức mà đồng song thanh còn được ứng dụng hiệu quả trong y học, âm nhạc điều trị học (music therapy), tâm lí điều trị học (psychotherapy), và cả khoa… đỡ đẻ nữa.

-Em thấy chưa, 17 năm qua rồi, anh vẫn sống nhăn ra đấy. Họng anh đâu có ung thư, chẳng những thế anh còn luyện giọng mở rộng khoảng âm từ 2 bát độ (octave) trước đây thành trên 6 bát độ.

Nói chính xác, âm thanh thấp nhất và cao nhất mà cổ họng anh có thể phát ra cách nhau 6 bát độ cộng thêm quãng 4 tăng (C0- fis4). Âm vực giọng người bình thường khoảng 2 bát độ, âm vực dàn hợp xướng từ giọng trầm nhất (basse) đến cao nhất (soprano) cộng lại chỉ xấp xỉ 5 bát độ. Nói có sách, mách có chứng, anh Hải đưa tôi bảng tra cứu tần số âm thanh các nốt nhạc và mở vi tính để đo tầm âm của anh. Kết quả: âm cao nhất 2900Hz (fis4), âm thấp nhất 33 Hz (C0), đó là giọng thật, nếu dùng kĩ thuật giọng giả, anh còn xuống tới 25 Hz (G2), thấp hơn phím trầm nhất của piano. Vậy là anh còn siêu hơn cả Yma Sumac, vì bà ca sĩ người Péru vẫn được coi là người có khoảng âm rộng nhất thế giới cũng chưa đạt tới 5 bát độ: 123Hz – 1760 Hz (B-a3). Trời đất quỉ thần ơi, Guiness thế giới đã bỏ qua một kỉ lục siêu nhiên và chương trình chuyện lạ Việt Nam của VTV chưa hề hay biết đến một quái kiệt đang ngồi lù lù trước mắt tôi đây!

Thầy phù thủy tiếp tục bày trò chơi với giọng hát của mình bằng cách điều khiển sao cho các bồi âm vẽ trên màn hình các chữ M và W hoặc cùng lúc chồng hai chữ đó lên nhau theo trục đối xứng. Tập mở rộng dần tầm âm của mình, anh còn luyện cách ém hơi để kéo dài trường độ. Tôi đã nhiều lần xem anh trổ tài trước công chúng bằng tiết mục dùng kỹ thuật đồng song thanh trình bày chủ đề Niềm vui của Giao hưởng N9 Beethoven chỉ bằng một hơi thở. Mọi người cùng lấy hơi rồi nín thở theo anh, và đều chịu không thấu trong khi anh vẫn đủ hơi để nhắc lại giai điệu một lần nữa.

Quan tâm đến nhiều loại nhạc: Đông – Tây, kim – cổ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực: nghiên cứu, dạy học, biểu diễn, sáng tác…, tiến sĩ Trần Quang Hải đã đạt nhiều giải thưởng, trong đó lớn nhất là Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp (2002). Tiếp xúc với anh, biết khối lượng công việc anh đã và đang làm, nghe nhắc đến vài trăm hội nghị quốc tế và đại hội liên hoan thế giới mà anh tham dự, tự dưng tôi boăn khoăn với một chút cắc cớ: với một người bản lĩnh đến mức cứng đầu và nhạy cảm đến dễ tổn thương như anh, thì ảnh hưởng của người cha – giáo sư Trần Văn Khê – mang lại gì nhiều hơn: dễ hơn người trong cái nghề cha truyền con nối, hay khó hơn người khi bị đè nặng bởi cái bóng quá lớn? Trong những trường hợp có cha hoặc mẹ nổi tiếng, đa số đi theo chiều thuận, coi phụ mẫu là thần tượng của mình và tự hào tận hưởng ánh hào quang có sẵn; lại có người thuộc dạng nghịch luôn tìm mọi cách vượt ra khỏi bóng cây đại thụ để chứng tỏ mình có cái tên riêng, đôi khi còn cố tình khác đi, để nếu không hơn được thì cũng nhất định không chịu làm bản sao. Tác động thuận – nghịch ở đây không đồng nghĩa với kết quả tốt – xấu. Chẳng biết có chủ quan không khi tôi đoán chừng: ảnh hưởng của người cha dù thuận hay pha chút nghịch thì đều đã tác động tích cực đối với anh, khiến anh vô tình có sẵn một cái đích rất cao để vươn tới, để thi thố, thậm chí mong muốn vượt qua, một sự ganh đua ngấm ngầm trong tiềm thức mà ngay chính anh không nhận thấy?

Nói đến sự thành đạt của nhạc sĩ Trần Quang Hải thì còn phải kể đến một “tác nhân” quan trọng nữa. Chị là một ca sĩ nổi danh từ những năm 60, nổi như cồn trước khi đến với người đàn ông lúc đó còn chưa mấy ai biết tới. Gắn bó cuộc đời với một nhà dân tộc nhạc học là một “biến cố” trong sự nghiệp ca hát của chị Bạch Yến. Từ một ca sĩ thành danh với những bài hát tiếng Pháp, Anh, Tây ban nha ở nhiều nước Âu – Mĩ, chị bắt đầu hát dân ca Việt, cùng chia sẻ với chồng những buồn vui, trăn trở và thành công trong việc thu băng đĩa và biểu diễn nhạc Việt tại cả trăm liên hoan âm nhạc truyền thống trên hàng chục quốc gia.

Được nghe giọng hát rất ấn tượng của chị qua băng từ ba chục năm trước, giờ tiếp xúc gần chị hơn, tôi thấy con người chị thật gần với tiếng hát -đầy tính cách, nhiệt tình và không dễ dãi. Biết tên tuổi chị từng gắn với Đêm đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, nhưng còn nhiều chi tiết lâm li về đời ca hát của chị đến giờ tôi mới hay, chẳng hạn những gì liên quan tới “Chiều chủ nhật buồn nằm trong căn gác đìu hiu…” (Lời buồn thánh) mà nhạc sĩ họ Trịnh viết tặng chị. Những mẩu chuyện đời chuyện nghề cứ theo nhau hé mở trong hành lang hay góc bếp, bên bàn ăn hay trên đường phố, trong nhà hàng Tầu hay quán nghệ sĩ, trước nhà thờ Notre-Dame hay bảo tàng Louvre, dọc bờ sông Seine hay trên đồi Montmartre…

Xòe đôi tay khoe đôi chân mỗi móng đánh một kiểu, mười móng mười màu khác nhau, chị Bạch Yến giải thích rằng “kì quan” này phải được xóa sạch bong mỗi khi chị biểu diễn dân ca Việt, cũng như chị luôn mặc áo dài đúng truyền thống và không chấp nhận bất kì sự cải biên cải tiến nào hết. Dần dần, tôi tìm thấy ở người phụ nữ quả quyết nhiều “chất Tây” này những nét rất á Đông. Và từ sự chu đáo tỉ mỉ của bà chủ nhà kĩ tính và thẳng tính, của ông chủ nhà cởi mở và chân thành, tôi đã nhận ra cái tình, cái tâm và nhiều nỗi niềm của người xa xứ.

 

Máy bay từ Charles De Gaulle cất cánh trễ hơn một giờ (lại trễ!). Khó ngủ, tôi bật màn hình nhỏ trước mặt, chán xem chương trình phim truyện lại nhảy sang kênh gắn máy quay phía dưới. Tây Âu rồi Đông Âu, châu Âu rồi châu á… bao nhiêu miền đất lướt qua màn hình. Đêm trên chuyến về rút ngắn đi. Tôi đang bay về phía mặt trời mọc để “lỗ” mất 5 tiếng đồng hồ.

Đi một ngày đàng học một sàng khôn.

Bay trên mười ngàn cây số để “học dăm điều dại, học vài điều khôn”.

Trong số những dại – khôn mà tôi có được từ chuyến điền dã xứ người lần này, điều đáng kể nhất vẫn là tình người. Tình người khác xứ đối với ta, tình ta với ta trên xứ người, tình người xa xứ đối với ta.

Chuyên mục: ARTICLES, Hô`i ký, Tiếng Việt Từ khoá liên quan: 2005, Nguyễn Thị Minh Châu: Tôi đi điền dã xứ người

Primary Sidebar

Chuyên mục

  • Ẩm thực / Gastronomy Vietnam
  • ARTICLES
    • EN FRANCAIS
    • IN ENGLISH
    • Tiếng Việt
  • BACH YEN
  • CA TRÙ
    • Bạch Vân
    • Kiêu Anh
    • Phạm Thị Huệ
    • Quách Thị Hô`
    • Thanh Hoài
    • Thúy Hoà
    • Vân Mai
  • Các nhà thơ Việt Nam
  • Cải lương Giỗ Tổ
  • Cồng Chiêng Tây Nguyên
  • Đàn bâù
    • BÀI VIẾT
    • Nhạc sĩ
    • VIDEO
  • Dân tộc nhạc học / ETHNOMUSICOLOGY
    • Gilbert ROUGET (1916-2017)
  • Dân tộc thiểu số
  • ĐÀN TRANH
  • Đặng Hoành Loan
  • Điều cần biết
  • Gia đình Trân Văn Khê
  • Hát đông song thanh TQH
  • Hô`i ký
  • HUY CHƯƠNG / MÉDAILLES
  • JIMMY SHOW
  • Kỷ niệm SAIGON trước 1975
  • LAM PHUONG
  • LÊ VĂN KHOA
  • Lịch sử tân nhạc Việt Nam
  • Lơi hay ý đẹp
  • MÚA RỐI NƯỚC
  • Nghệ Sĩ Cải lương
  • Nghệ sĩ trình diễn /MUSICIANS
    • Hải Phượng
    • Hô Thuy Trang
    • Hoàng Co Thuy
    • NGDN Phương Bảo
    • Nguyễn Thanh Thủy
    • Phương Oanh
    • Vo Van Anh
  • NGHỆ SĨ TỪ TRẦN / CONDOLENCES
  • Ngôn ngữ Tiếng Việt
  • NGUYEN VINH BAO
    • Bài viết
    • Video
  • Nguyệt san Cỏ Thơm
  • Nguyệt san Cỏ Thơm USA
  • NHAC CU VIÊT NAM
    • ARTICLES / Bài viết
    • PHOTOS
    • VIDEO
  • Nhạc sắc tộc
  • Nhạc sĩ / Soạn nhạc gia Việt Nam
  • Nhạc Việt
    • Âm nhạc cổ truyền
    • Lịch sử tân nhạc
    • Nhạc mới
      • 70 năm tình ca việt nam (1930-2000)
  • Những bài viết cho sách TQH tương lai 2018
  • PEOPLES IN VIETNAM / Dân tộc VIETNAM
  • PETRUS KY
  • PHỎNG VẤN NGHỆ SĨ
  • PHOTOS
    • Photos avec des musiciens vietnamiens
    • Photos des ethnomusicologues
    • TRAN QUANG HAI
      • Photos Festivals TQH
  • Photos anciennes du Vietnam/ Hình ảnh xua Việt Nam
  • PHOTOS TQH overtones
  • Sách xưa
  • Sáu Long Tây Ninh cổ nhạc
  • Sinh hoạt nghệ thuật trong nước
  • Sinh hoạt nghệ thuật Viet Nam ở hải ngoại
  • Sinh hoạt văn nghệ hải ngoại
  • THẦN ĐỒNG ÂM NHẠC
  • Thần Đồng nhạc cổ Việt Nam
  • THAO GIANG nhạc sĩ
  • Tiếng Tơ Đông
  • Tiếng Việt – Vietnamese language
  • Tiễu sữ ca sĩ
  • TRAN QUANG HAI
    • Articles
    • Photos
    • Ra mắt sách TQH 2019
    • Tiểu sử / Biography
    • VIDEO TRAN QUANG HAI
  • TRAN QUANG HAI's WEBSITES
  • TRAN VAN KHE
    • DAM TANG TRAN VAN KHE
    • Hô`i Ký GS Trâ`n Văn Khê
    • Những bài viết
    • PHOTOS
    • VIDEO
  • TRAN VAN TRACH
    • Bài viết
    • VIDEO
  • Vầng trăng cổ nhạc
  • Video
  • VIDEO CHANT DIPHONIQUE / THROAT SINGING
    • The Ode to Joy
  • VIDEO JEW'S HARP
    • KHAI NGUYÊN
  • VIDEO SPOONS
    • Trâ`n Quang Hải
  • VIET NAM
    • UNESCO ICH
      • BÀI CHÒI
      • CA TRÙ
      • CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN
      • DÂN CA VÍ GIẶM NGHỆ TĨNH
      • ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ
      • HÁT XOAN
      • HỘI GIÓNG
      • NHÃ NHẠC
      • QUAN HỌ
      • THỜ CÚNG HÙNG VƯƠNG
      • TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU VIỆT NAM
  • VIETNAM
    • Hát Văn / Chầu văn
    • MODERN MUSIC
    • TRADITIONAL MUSIC
      • Bài chòi
      • Ca Trù
      • Cải lương
      • Dân ca miền Trung
      • Đơ`n ca tài tử
      • Hát bội / Hát tuô`ng
      • Hát chèo
      • Hát Then
      • Hát Văn – Chầu Văn
      • Hát Xẩm
      • Hát Xoan
      • Quan Họ
      • Trống Quân
      • Vọng Cổ
  • VIETNAM UNKNOWN – COLOR MAN
  • WEBSITES NHỮNG HỘI chuyên về nhạc Việt
    • Âm Nhạc Việt Nam Trung Tâm Phát Triển
    • Học Viện âm nhạc Huế
    • Học viện âm nhạc quốc gia việt nam
    • Nhạc viện TP HCM
    • Viện Âm nhạc Hà Nội

Powered by Pham Consulting.

Content preparation by Prof. Tran Quang Hai

Phiên bản 1.0