Hành Trình 100 năm Cải Lương đến với khán giả của Chương trình Cổ Nhạc Văn Lang Của Đài Little Sài Gòn TiVi và Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang
Chương trình đại nhạc hội “ Hành trình 100 năm cải lương “ trực tiếp thu hình, kỷ niệm ngày thành lập 100 năm, ngành sân khấu cải lương vào lúc 6:00 chiều Thứ Sáu ngày 24 tháng 11 năm 2017 tại rạp Sài Gòn Performing Art Center (Thành Phố Fountain Valley) sẽ được phát trên băng tầng 18.9 của Đài Little Sài Gòn TiVi, để giới thiệu đến công chúng, khán giả mộ điệu xa gần biết đến xuất xứ, sự hình thành và diễn biến của nghệ thuật sân khấu cải lương như thế nào? Và quí vị cũng sẽ thấy lại những hình ảnh sân khấu xưa, cách thức thành hình một sân khấu cải lương qua những tài liệu quí giá, sự cấu tạo nên sân khấu cải lương và những bước tiến đầy khó khăn của tiền nhân.
Đây là một buổi trình diễn rất có giá trị của Đài Little Sài Gòn TiVi, Chương trình Cổ Nhạc Văn Lang của đài Little Sài Gon TiVi và nhóm Nghệ sĩ trẻ Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang tổ chức. Được sự bảo trợ quảng bá sâu rộng của các cơ quan truyền thông và báo chí: Nhật báo Người Việt, Việt Báo và Viễn Đông là những cơ sở truyền thông uy tín của người Việt hải ngoại.
Theo tài liệu của Ông Vương Hồng Sển, Bách Khoa Toàn Thư, Soạn Giả Nguyễn Phương,Giáo sư Trần Văn Chi (Tác giả nhiều quyển sách nói về phong tục tập quán Miền Tây và những bài khảo cứu về sân khấu cải lương Miền Nam và Giáo Sư Trần Quan Hải thì danh từ cải lương có lẻ từ câu:
Cải biến kỳ sự,
Sử ích tự thiên lương.
Nghĩa là đổi đi những cái cũ thành những cái mới, cải sửa lại cho hay hơn, cho hoàn hảo hơn và danh từ cải lương là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ sự thể hiện qua sân khấu, sự hình thành trên cơ sở từ nhạc lễ Nam bộ, biến thể của nhạc cung đình Huế, thuộc thang âm ngũ cung ( hò, xự, xang, xê, cóng ) đờn ca tài tử và dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long.
“Cải lương” thể hiện qua sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, sau khi cải sửa lại, tức là cải lương lại thì nghệ thuật cải lương đã khác hẵn với nghệ thuật hát bộ cả về nội dung lẫn hình thức:
Vào năm 1912, 1914 trở về trước, tại miền Nam, ca tài tử còn ca kiểu “độc thoại”.
Năm 1915, có ca kiểu “đối thoại” (ca ra bộ) ở Mỹ Tho có ban tài tử của Nguyễn Tống Triều, người Cái Thia, tục gọi Tư Triều (đờn kìm), Mười Lý (thổi tiêu), Chín Quán (đờn độc huyền), Bảy Vô (đờn cò), cô Hai Nhiễu (đờn tranh), cô Ba Đắc (ca sĩ). Họ là những tài tử được chọn đi trình bày cổ nhạc Việt Nam tại các cuộc triển lãm ở Pháp. Khi về, họ cho biết rằng Ban tổ chức có cho họ được đờn ca trên sân khấu và được công chúng đến xem rất là đông.
Ban tài tử Nguyễn Tống Triều năm 1906
Nghe được cách cho “đờn ca trên sân khấu”, Thầy Hộ, chủ rạp chiếu bóng Casino, ở sau chợ Mỹ Tho, mời ban tài tử Tư Triều, đến trình diễn mỗi tối thứ tư và thứ bảy trên sân khấu, trước khi chiếu bóng, được dân chúng hoan nghinh nhiệt liệt.
Cũng trong thời gian nầy, Ông Phó Mười Hai là người Vĩnh Long rất hâm mộ cầm ca. Ông thường tới lui ở Mỹ Tho để thường trực xem ban tài tử đờn ca Nguyễn Tống triều ca diễn. Khi ông nghe cô Ba Đắc ca bài Tứ Đại, như bài ” Bùi Kiệm Nguyệt Nga”, với một giọng gần như có đối đáp, nhưng cô không ra bộ. Khi về lại Vĩnh Long, ông liền cho người ca đứng trên bộ ván ngựa và ca ra bộ. Ca ra bộ phát sinh từ đó.
Cải lương đã bắt đầu từ năm 1916, nhưng kể từ ngày 16 tháng 11 năm 1917, khi tuồng Gia Long Tẩu Quốc, được công diễn tại Nhà hát Tây Sài Gòn, cách hát mới lạ nầy bành trướng không thôi, mở đầu cho nghệ thuật mới, lấy đờn ca và ca ra bộ ra chỉnh đốn, thêm sửa, vừa canh tân, vừa cải cách nên cải lương hình thành từ đây.
Nhà hát Tây Sài Gòn năm 1905
Và rồi ngay năm này (1917), ông André Thận (Lê Văn Thận) ở Sa Đéc có gánh hát xiệc, ông liền đem vào màn có ca ra bộ trước khi hát xiệc.
Ông Năm Tú (Châu Văn Tú) ở Mỹ Tho mua lại gánh của ông André Thận rồi sắm thêm màn cảnh, y phục và nhờ ông Trương Duy Toản (tác giả vở Kim Vân Kiều), họa sĩ Trần Ngọc Điếu vẽ phong cảnh soạn tuồng, đánh dấu sự ra đời của loại hình nghệ thuật cải lương.
Và cũng từ đó cái tên “Cải Lương” xuất hiện lần đầu tiên trên bảng hiệu gánh hát Tân Thịnh của thầy Năm Tú với câu đối:
Cải cách hát ca theo tiến bộ,
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.
André Thận và Năm Tú, đã đưa cải lương lên sân khấu thiệt thọ. Tuồng Trang Tử Thử Vợ và tuồng Kim Vân Kiều diễn tại rạp Mỹ Tho rồi lên diễn tại rạp Chợ Lớn và Sài Gòn…lúc này hát cải lương mới thành hình thật sự và có nhiều uy tín vang vội khắp nơi và được hãng đĩa Pháp đã sản xuất rất nhiều đĩa hát 78 vòng trên toàn quốc.
Thầy năm Tú
Và kể từ ngày nầy các gánh hát cũng lần lượt lập ra như: Văn Hí Ban ở Chợ Lớn, Tập Ích Ban ở Thốt Nốt Nghĩa Đồng Ban, Nam Đồng Ban với nữ nghệ sĩ Năm Phỉ rất nổi tiếng ở vở :”Tham phú phụ bần”,Tái Đồng Ban ở Mỹ Tho với các nghệ sĩ nổi tiếng như : Phùng Há ,Năm Châu..
Những tuồng hát đầu tiên lấy từ truyện Tàu như: Phụng Nghi Đình, Mộc quế Anh, Hạng Võ Biệt Ngu Cơ, Trảm Trịnh Ân, Hoa Mộc Lan Tùng Chinh, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài rồi dần dần nhiều bài hát khác được đưa vào cải lương như: Xuân Tình, Hành vân,Tứ Đại Quán.
Năm 1918 nhạc sĩ Cao Văn Lầu tức Sáu Lầu người quê ở Tân An, cùng gia đình đến định cư ở Bạc Liêu lúc Ông còn rất nhỏ, đã sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang, gồm 20 câu 2 nhịp, sau đó thì phát triển thành nhịp 4 trên sân khấu Tập Ích Ban vào năm 1921 và thành nhịp 8 trên sân khấu Tái Đồng Ban vào năm 1922.
Sau Dạ Cổ Hoài lang ra đời vào năm 1918 cải lương cũng lan dần ra miền Trung, Bắc .Người đầu tiên giới thiệu nghệ thuật cải lương trên sân khấu Hà Nội là Ông Nguyễn Văn Súng và sau đó có 2 gánh Phước Hội và Tân lập Ban từ Nam ra Hà Nội trình diễn tại rạp Quãng Lạc.
Từ năm 1920 là thời kỳ phát triển rực rỡ, nhiều gánh hát ra đời, nổi tiếng nhất là hai gánh Phước Cương và Trần Đắc.
Mãi đến năm 1925 mới có nhóm tài tử Đồng Ấu ở Sán Nhiên Đài và nhóm tài tử ở phố Hàng Giấy mướn rạp ông Ba Bỏ ở Ô Chợ Dừa bắt đầu trình diễn mãi tới năm 1927 ở rạp Quảng Lạc, rạp Chèo Sán Nhiên Đài, tất cả đều đổi thành rạp cải lương, và một số truyện, tiểu thuyết của văn sĩ Việt Nam cũng được đưa lên sân khấu như: Lan và Điệp, Tắt lửa Lòng của Nguyễn Công Hoan, Tắt Đèn của Ngô Tất Tố.
Và cũng trong thời gian nầy tại Mỹ Tho xuất hiện thêm một gánh hát rất đặc biệt là gánh Đồng Nữ Ban của cô Ba Trần Ngọc Viện, bấy giờ cô Ba Viện đang dạy gia chánh và đờn tranh tại Trường nữ sinh Áo Tím. Năm 1926, khi cụ Phan Chu Trinh mất, cô Ba Viện dẫn một phái đoàn nữ sinh áo tím đi viếng lễ tang, ngay hôm đó cô Ba buồn, nên lập ra gánh hát với mục đích có tiền để giúp những kháng chiến Pháp. cô Ba không chọn người có tên tuổi hoặc có nghề, mà toàn là con gái.
Cô Ba Viện là người thứ tư từ bên trái(gánh Đồng Nữ Ban năm 1926).
Không chỉ học hát, các diễn viên còn bắt buộc phải học chữ, đồng thời cô Ba Viện còn cho rước thầy Hai dạy đánh võ Bình Định để đưa lên sân khấu. Khi ra ngoài thì diễn viên phải mặc áo dài tím, xếp hàng hai, kẹp tóc, đi từ nơi ở đến rạp hát hoặc xuống ghe chài… Sân khấu của gánh Đồng Nữ Ban cũng rất lạ, cô Ba mướn họa sĩ vẽ phông và cánh gà riêng theo từng vở cải lương. Dàn nhạc đánh các bản truyền thống Việt Nam, chứ không được đánh nhạc Tây. Về sau, cô Ba Viện nhờ người viết tuồng cho gánh hát là thầy giáo Nguyễn Tri Khương (cháu nội của Nguyễn Tri Phương) tại làng Đông Hòa. Thầy Khương học Tây học, Hán học, người có võ lại viết văn rất hay, thổi sáo rất tài, đờn cò cũng rất giỏi.
Một trong những vở tuồng của thầy Khương viết cho gánh Đồng Nữ Ban rất ăn khách là Giọt lệ Chung Tình. Tuồng này không chỉ nói về mối tình của Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà mà còn gợi lòng yêu thương của đồng bào tổ quốc.
Năm 1931 trở về sau ở nhiều gánh hát cũng được thành lập ở Miền Bắc như: Tố Như, Nhật Tân Ban, Quốc Hoa và có nhiều đoàn hát cũng vô Nam trình diễn rất thành công. Một số gánh hát như An Lạc Ban, Tân Hí Ban, Phước Cương của Bạch Công Tử, Trần Đắc, Năm Phỉ, Phụng Hảo,Thanh Tùng, Năm Châu, Kim Thoa ra Bắc diễn được khán giả mến mộ.
Năm 1935 có thêm dạng tuồng kiếm hiệp , tuồng sử v.v… để đáp ứng sở thích của khán giả và đây cũng là khía cạnh đặc biệt nhất là lớp dựng: Ngựa ô bắc, Ngựa ô nam,Đoản khúc Lam giang, Phi vân điệp khúc, Trăng thu dạ khúc, Vọng kim lang, Kim tiền bảng, Duyên kỳ ngộ v.v…
Loại cải lương Hồ Quảng cũng được xuất hiện vào năm 1935 với Nữ Nghệ Sĩ Lão thành Phùng Há và phát triển rất là mạnh mẽ vào năm 1960 tới năm 1970 có những nghệ sĩ rất là nổi tiếng trong lãnh vực Hồ Quãng là Nghệ Sĩ:Thanh Thế, Phượng Mai, Bạch Mai, Thanh Tòng.
Năm 1936 Nghệ sĩ Năm Nghĩa tức Lư Hòa Nghĩa đã đưa bài Dạ Cổ Hoài Lang thành nhip 16 với một cái tên khác là: “Vọng Cổ Bạc Liêu”.
Nghệ Sĩ Năm Nghĩa và vợ là Bầu Thơ gánh Thanh Minh Thanh Nga
Vào năm 1940 các loại tuồng hát trên không còn ăn khách nữa, cố nghệ sĩ Năm Châu đổi thể loại tuồng xã hội như: Tìm Hạnh Phúc, Khi Người Điên Biết Yêu, nói lên tâm trạng con người trong xã hội Việt Nam thời đó rất được khán giả hoan nghinh và trong giai đoạn nầy một số tuồng mang ý nghĩa chiến tranh đã được cố nghệ sĩ Bảy Cao đề xướng …Nghệ thuật cải lương cũng luôn cải tiến không ngừng để tạo một chổ đứng đặc biệt vững chắc.
Quảng cáo của nghệ sĩ Năm Châu và Phung Há năm 1952.
Vào đầu năm 1951, nghệ sĩ Út Trà Ôn, tức Nguyễn Thành Út đã biến thành vọng cổ nhịp 32 sau đó đến nhịp 64 phát triển đến bây giờ…trong một tuồng cải lương bắt buộc cần có sự kết hợp không thể thiếu:
1/- Sân Khấu: Tùy theo nội dung,cốt truyện của vỡ tuồng, cảnh trí không thể thiếu, trong mỗi bối cảnh riêng, người dựng cảnh phải đi theo nội dung của kịch bản, để trang trí, người họa sĩ phải tận dụng sở trường của mình, linh động để phù hợp..
(Hình Sân Khấu).
2/- Đạo cụ: Phần đạo cụ cũng không kém phần quan trọng trong bối cảnh bắt buộc, để khán giả hình dung được trước mặt mình là thực, một hoàn cảnh thực xưa, hay hiện tại, thời xưa và thời nay ở mỗi một hoàn cảnh nào, phải có những đạo cụ thích hợp rõ ràng để người thưởng ngoạn không nhận ra là mình dang nhìn lên sân khấu.
Sân khấu cải lương ngày xưa
3/- Ánh Sáng: Cực kỳ quan trọng, để tạo sân khấu hoàn hảo, nhìn vào, khán giả khó mà phân biệt được những xảo thuật thật tinh vi của sân khấu cải lương.
4/- Dàn nhạc: Sân khấu cải lương ngày xưa bắt buộc phải có 2 dàn nhạc: Tân nhạc và cổ nhạc. Đoàn cải lương không chỉ có các diễn viên diễn xuất trên sân khấu, mà luôn luôn phải có dàn nhạc đi kèm. Vì thế, khi trình bày về âm nhạc trong nghệ thuật cải lương, dàn nhạc cải lương có một vai trò đặc biệt trong tuồng diễn, vì không có dàn nhạc thì không thể thành một tuồng diễn. Dàn nhạc trong cải lương không chỉ có nhiệm vụ nâng đỡ, phụ họa cho giọng hát, mà còn tô điểm thêm cho từng giai điệu để làm nổi bật chiều sâu tâm lý của nhân vật, tạo thêm kịch tính cho vở tuồng, chính vì vậy mà trong nghệ thuật cải lương đã có sự tồn tại song song của hai dàn nhạc: “Cổ và tân” để bổ túc cho nhau. Đó là sự phối hợp đặc biệt giữa nét xưa và nét hiện đại trong nền âm nhạc cải lương. Dàn nhạc cổ luôn giữ vai trò chủ chốt, là linh hồn của một kịch bản mang đậm nét truyền thống và góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc trong nghệ thuật âm nhạc cải lương. Về mặt cấu trúc, dàn nhạc cổ thường sử dụng những nhạc cụ như: đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm, đàn cò, đàn tỳ bà, guitar phím lõm, đàn sến, song loan .
Dàn nhạc tân có thêm hai cây guitar solo và guitar bass và thời gian sau được bổ túc thêm đàn
piano và organ.
Dàn đàn cổ nhạc
Y phục, tranh cảnh
Trong các vở diễn về tuồng tích xưa hay lấy cốt truyện ở nước ngoài thì y phục của diễn viên và tranh cảnh trên sân khấu cũng được chọn lựa sao gợi được bối cảnh nơi xảy ra câu chuyện, nhưng cũng chỉ mới có tính ước lệ chứ chưa đúng với hiện thực. Trong các vở về đề tài xã hội, diễn viên ăn mặc như nhân vật ngoài đời, tùy theo nội dung và hoàn cảnh,thời gian của mỗi vỡ tuồng .
Tại miền Nam Việt Nam, thập niên 60 là thập niên hưng thịnh nhất của cải lương miền Nam, lấn át cả tân nhạc. Các sân khấu cải lương được đông khán giả đến xem hàng ngày, nên ngày nào cũng có diễn xuất, nhờ đó, các soạn giả và nghệ sĩ có cuộc sống khá sung túc, và một số ca sĩ tân nhạc phải tìm cách chuyển nghề sang hát cải lương để tìm kiếm sống, thành công như Hùng Cường.
Riêng tại vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định đã có trên 39 rạp hát cải lương và 20 nơi luyện cổ nhạc (gọi là “lò”), trong đó có những “lò” nổi tiếng như của Út Trong, Văn Vĩ, Duy Trì, Huỳnh Hà, Tư Tân, Yên Sơn, Ba Giáo.
Vào đầu thập niên 60 Soạn Giả Viễn Châu đã chọn những bản tân nhạc nổi tiếng viết thêm vào lời ca vọng cổ thành “Tân cổ giao duyên” đã tạo một luồn gió mới cho tên tuổi của soạn giã Viễn Châu, giữa thập niên 1960 các bản tân nhạc nổi tiếng được hãng dĩa mua bản quyền, nhờ Viễn Châu viết thành bài ca tân cổ giao duyên, tung ra thị trường hốt bạc.Lúc bấy giờ Viễn Châu đã tạo được đời sống sung túc mua thêm nhà cửa, đi xe hơi Peugeot 203, mua xe cam nhông, xích lô máy cho mướn…
Vì muốn xóa đi thành kiến nặng nề cho ngành ca hát như: “Xướng ca vô loại” mà xã hội phong kiến đã quá khắt khe cho nghiệp cầm ca, nên nhà báo Trần Tấn Quốc đã cố tình sáng lập ra “Giải Thanh Tâm” với mục đích tìm những tài năng xuất sắc về ca diễn, cũng như về đạo đức, người nghệ sĩ phải sống thanh cao,trong sạch từ xã hội, gia đình, ngay cả tình cảm trai gái . Giải Thanh Tâm bắt đầu vào năm 1958 cho đến năm 1968 và người Nghệ Sĩ đầu tiên được Giải là Nghệ Sĩ Thanh Nga vào năm 1958 rồi lần lượt tới năm 1969 với các Nghệ Sĩ trúng tuyển như sau: Nghệ sĩ Hùng Minh, Lan Chi, Bích Son, Ngọc Giàu,Thanh Thanh Hoa, Ngọc Hương, Ánh Hồng, Bạch Tuyết, Kim Loan, Trương Ánh Loan, Tấn Tài, Diệp Lang, Lệ Thủy, Thanh Sang, Thanh Nguyệt, Bo Bo Hoàng, Phương Liên, Phương Quang, Mỹ Châu, Ngọc Bích, Bảo Quốc, Phương Bình.
Bạch Tuyết chúc mừng Diệp Lang,Thanh Sang,Lệ Thủy nhận giải Thanh Tâm năm 1963
Những soạn giả tuồng nổi tiếng như: Năm Châu, Hà Triều, Hoa Phượng, Bảy Cao, Thiếu Linh, Thu An, Yên Lang ,Kiên Giang, Viễn Châu, Loan Thảo, Quy Sắc Nguyên Thảo, Trần Hữu Trang,Trần Hà, Yên Ba, Trần Hà, Thế Châu v.v… Những gánh hát cải lương nổi tiếng thời này có đoàn Thanh Minh Thanh Nga, Thống Nhứt, Tiếng Chuông Vàng Kim Chung, Hương Mùa Thu, Kim Chưởng với những nghệ sĩ như Út Trà Ôn, Minh Chí, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Dũng Thanh Lâm, Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Sang, Phùng Há, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ, Thanh Thanh Hoa.
Ngoài ra còn phải kể đến công của những bầu gánh, soạn giả, nhạc sĩ và các đào kép tài danh thuộc thế hệ đầu, như: Thầy Andre Thận, Thầy Năm Tú (gánh Tân Thịnh ), Tư Sự(gánh Đồng Bào Nam), Hai Cu (gánh Nam Đồng Ban), Trần Ngọc Viện (gánh Nữ Đồng Ban), Trương Duy Toản,Ba Đại,Hai Trì, Nhạc Khị, Năm Triều, Sáu Lầu (Cao Văn Lầu), Nguyễn Tri Khương, Trần Văn Triều, (tự Bảy Triều), Ba Đắc,Bảy Lung, Ba Niêm, Hai Nhiều, Hai Cúc,Năm Phỉ, Ngọc Xứng, Ngọc Sương, Phùng Há, Tư Sạng,Hai Giỏi, Năm Nở, Trần Hữu Trang, Tư Chơi, Năm Châu, Ba Vân,
Bảy Nam, Năm Phỉ v.v… Và sau Hiệp định Geneve trải dài đến tháng 4 năm 1975 Các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng:Phùng Há Út Trà Ôn, Thanh Hương,Ngọc Hương, Anh Hồng, Năm Châu, Mỹ Châu,Phượng Liên, Ngọc Giàu, Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Thanh Sang, Phương Quang Diệp Lang, Lệ Thủy, Hồng Nga, Kim Ngọc, Minh Phụng, Diệu Hiền, Thanh Kim Huệ, Thanh Nga, Minh Cảnh, Thanh Tòng, Thanh Thanh Hoa, Tấn Tài, Hữu Phước , Ba Vân, Dũng Thanh Lâm, Thanh Tú, Thanh Tuấn, Phương Thanh, Hương Lan, Chí Tâm, Tài Lương, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Nam Hùng, Kim Giác, Thanh Thế, Thanh Tòng, Bạch Mai, Phượng Mai, Tám Danh, Vũ Linh,…
Sau năm 1975, Nghệ thuật cải lương hầu như dừng lại trong cuộc di tản lớn nhất của con dân Việt Nam, tất cả nghệ sĩ nổi tiếng đều vào các trại cải tạo, đa số cũng phải rời khỏi quê hương lang thang tìm tự do sống rải rác trên toàn thế giới. Một số nghệ sĩ yêu nghề, trót mang nghiệp cầm ca cũng đã tổ chức những buổi trình diễn cải lương trong những nhà hàng làm tiệc cưới,nhưng không được thành công.
Vì muốn lưu giữ nền văn hóa cổ truyền dân tộc qua bộ môn cải lương Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang ra đời vào năm 2008 tại Thành Phố Santa Ana Miền Nam California với Cố Nghệ Sĩ Hoài Trúc Linh, NS Bình Trang, NS Tuấn Phong, NS Kim Xuyên Lan và Trưởng đoàn Mai Chân(Chủ nhân của Nhà hàng tiệc cưới Dragon King) qua sự cố vấn văn hóa của Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, Giáo Sư Trần văn Chi và Sự giúp đở, hướng dẫn nghệ thuật sân khấu của Nghệ sĩ lão thành Văn Chung, Nghệ Sĩ tài danh Phương Liên và sự yểm trợ đăc biệt của Đài Little Sài Gòn 57.7 là một cơ quan truyền thông uy tín có nhiều quan tâm về sinh hoạt văn hóa phong tục nước nhà. Chính vì vậy mà lời ca tiếng hát, sinh hoạt của đoàn Nghệ Thuật Sân Khấn Văn Lang đã được giới thiệu đến toàn thể khán giả, công chúng Việt Nam trên toàn cõi Hoa Kỳ, Canada, Mễ Tây Cơ và hệ thống youtube trên thế giới.
Trong tiến trình khá dài, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử dân tộc, tham gia vào sự phát triển không ngừng của nền văn học nghệ thuật Việt Nam: Từ nguồn gốc cung đình nhả nhạc Huế, hát chập, nhạc lễ miền Nam, nhạc tài tử Nam bộ, hát ca ra bộ, rồi tiến dần đến một sân khấu cải lương của một thế kỷ dài, của một trăm năm cải lương với nhiều gay go và thử thách từ những sáng kiến, tập tành nhỏ nhoi dần dần trở thành một nghệ thuật cải lương siêu đẳng tuyệt vời nhất, chúng ta phải nghĩ ngay đến công sức của không biết bao nhiêu người đã gầy dựng từ những tổ chức dàn dựng một sân khấu, tổ chức một dàn nhạc cổ và tân nhạc, những nhạc sĩ, những nghệ sĩ đã bỏ rất nhiều công sức, cố gắng tập tành ca diễn khóc cười trên sân khấu hòa quyện cũng ai cung oán để trở thành một tình tự quê hương: “Còn cải lương còn tiếng việt,còn một tinh thần dân tộc Việt”. Một ý nghĩa văn hóa nhân dân sâu sắc mà tất cả chúng ta là con dân nước Việt, chúng ta phải hãnh diện để luôn nhớ đến tiền nhân và Tổ Thầy đã cho chúng ta một trăm năm cải lương đầy ý nghĩa để nhắc nhở chúng ta là những người đi sau, phải duy trì và phát triển bất cứ hình thức nào, một hoàn cảnh nào dù ở trên xứ sở, một quê hương, một đất nước Việt Nam yêu dấu hay bất cứ nơi nào, một quốc gia nào trên thế giới có người Việt đang sinh sống, phải duy trì và phát triển không phải chỉ dừng lại ở 100 năm mà phải tồn tại và phát triển mãi với thời gian vô tận phía trước.
Lê Yên Dung nhân kỷ niệm 100 năm cải lương ra đời (11/16/1917 – 11/16/2017)